Tương truyền vốn là sính vật tiến vua của Sơn Tinh dâng lên Vua Hùng nhưng ở bản Dù, một vùng núi non thơ mộng, truyền thuyết ấy lại hiện hữu bởi nơi đây nuôi khá nhiều gà nhiều cựa.
Là bản có hơn 90% người dân tộc Dao sinh sống, với 70 hộ dân, bản Dù có nhiệt độ thấp hơn vài độ C so với các bản khác, nằm dưới chân vườn quốc gia. Đặc biệt vào mùa hè, nơi đây khí hậu mát mẻ, thích hợp để giống gà tiến vua phát triển.
Ông Bàn Xuân Lâm, người từng giữ chức Chủ tịch, nay là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn cho biết, cả 4 bản người Dao sinh sống là Lấp, Cỏi, Dù, Lạng, gần như 100% các hộ dân đều nuôi gà nhiều cựa. Vốn có nguồn gốc là gà rừng, loài gà này chỉ có thể sống trong môi trường bán hoang dã, thế nên mỗi buổi sáng, gà được thả lên rừng và đến tối, chúng tự về, ngủ trên những cành cây.
Sau thời gian nuôi khoảng chừng 6 tháng, những chú gà trống trổ mã, tập gáy, gà mái bắt đầu nhảy ổ. Gà có nhiều cựa ngay khi còn bé đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mọc từ 3-4 cựa mỗi bên, tùy theo thời gian gà trưởng thành. Gọi là gà 9 cựa nhưng có đầy đủ thì khá hiếm và quý, nên chủ yếu gà ở đây chỉ từ 6 đến 8 cựa. Thường một năm, khi trọng lượng gà đạt trung bình khoảng từ 1,5kg đến 2kg là đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Là giống gà quý hiếm, hội tụ đầy đủ tinh thần “văn võ song toàn” với chiếc mào của Lạc Hầu và đôi cựa của Lạc Tướng nên gà nhiều cựa thường được dùng làm quà biếu mỗi dịp Tết. Mào gà đỏ rực, đuôi gà cong như cầu vồng, gà nhiều cựa cũng được nhiều người chọn làm lễ vật đặt cúng tổ tiên, mong muốn đem lại may mắn, sung túc cả năm.
Ngày giáp Tết, đường vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn đỏ rực hoa trạng nguyên bung nở. Đây là thời điểm các tay “săn” sản vật Việt tìm đến bản Dù, chọn mua những chú gà trống lâu năm, mào đỏ như hoa chuối rừng phục vụ thị trường Tết. Với mức giá trung bình từ 250 nghìn đến 300 nghìn/kg, nếu mua gà giống, gồm 1 trống, 1 mái có giá 1 triệu đồng/cặp, còn mỗi bên chân có đủ chín cựa giá đến cả triệu/con, gà nhiều cựa đang là đặc sản săn tìm làm quà biếu Tết.