Cổ ấp trăm năm tuổi này được coi là ngôi làng cổ đại diện tiêu biểu nhất cho một mô hình nông thôn hoàn chỉnh của Đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà không gian đậm sắc xưa, hoài cổ khiến du khách ví von đẹp như một "Cổ trấn bị lãng quên".
Trên một diện tích nhỏ 2km x 1,5km, ấp cổ Đường Lâm, trong đó là thôn Mông Phụ đã có 500 công trình kiến trúc có giá trị. Trước mặt, làng bao bọc bởi 36 đồi gò, 18 rộc sâu nối tiếp nhau tựa bát úp bên dòng sông Tích. Sau lưng, dãy núi Ba Vì sừng sững làm Đường Lâm nổi lên vẻ đẹp trung du thuần khiết.
Đường Lâm là nơi còn rất nhiều ngôi nhà cổ nguyên vẹn, với tường và cổng xây bằng đá ong rắn chắc. Trong số đó, ngôi nhà của gia đình các ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Nguyên Huyến và Đỗ Doãn Dương là cổ nhất, có niên đại hơn 400 năm và được hầu hết du khách ghé thăm khi về Đường Lâm.
Xây tường bằng vật liệu truyền thống của Đường Lâm là đá ong, ngôi nhà ở đây còn dùng thêm chất liệu gỗ làm cột, vì kèo khiến trong nhà mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Với năm gian lợp ngói, có tất cả 30 cột gỗ bố trí theo 5 hàng và được kê trên chân đá xanh chắc chắc tạo nên sự vững chắc. Mái nhà lợp ngói, võng xuống theo hình cánh diều. Những người thợ Việt xưa với bàn tay tài hoa cũng không quên chạm khắc công phu, tỉ mỉ nhiều hoa văn giản dị nhưng mềm mại trên nhiều phần chất liệu gỗ của căn nhà tạo nên sự duyên dáng cho căn nhà thuần Việt.
Thuộc diện cổ nhất làng, ngôi nhà cổ của gia đình ông bà Đỗ Doãn Dương và Dương Thị Lan, chủ nhân đời thứ 8 ở trong ngôi nhà được quan Đốc học Đỗ Doãn Chính xây dựng từ những năm 1780. Cụ Chính không chỉ là 1 vị quan mà còn là 1 nhà nho, 1 thầy đồ nổi tiếng khắp nơi. Tên của cụ cũng được khắc trên văn bia Quốc Tử Giám…
Trong căn nhà cổ 3 gian này, thứ khiến mọi người chú ý đến nhiều nhất là bức tranh tường với đôi câu đối “Trị gia hữu đạo duy tòng cổ/Xử thế vô trì đãn xuất chân”. Với nội dung răn dạy con cháu hãy giữ những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại và cách xử thế với mọi người… Ngoài ra, vẫn còn đó đôi võng được vua ban của cụ Đốc học Đỗ Doãn Chính vào ngày ông vinh quy bái tổ; bức tranh “Bát tiên quá hải”, tượng “Phật bà quan âm” có từ thế kỉ 17…
Đường Lâm chính thức đón nhận bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hháng 5 năm 2005, nhưng trước đó từ năm 2002, nhiều chuyên gia Nhật Bản thông qua chương trình hỗ trợ phát triển, bảo tồn các làng truyền thống Việt Nam của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản) đã có các chuyến khảo sát, lập hồ sơ bảo tồn làng cổ Đường Lâm.
Cùng với JICA, các chuyên gia Nhật Bản từ Cục văn hóa Nhật Bản, Viện nghiên cứu di tích văn hóa Nara, trường Đại học nữ Chiêu Hòa không chỉ tham gia bảo tồn các giá trị vật thể như cổng làng Mông Phụ, 6 ngôi nhà cổ, mà còn xây dựng dự án hỗ trợ nông dân làng cổ cách làm du lịch, cải thiện đời sống qua khai thác tiềm năng.