Trải nghiệm

Great Ocean Road: Cung đường kiến tạo trên vách đá

Trải nghiệm - 06:30, 24/08/2019 G8T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Được đưa vào danh sách Di sản Quốc gia năm 2011, The Great Ocean Road là một niềm tự hào của người Úc. Ngoài vẻ đẹp của cung đường hơn 243km vòng vèo phía Tây Nam bang Victoria, sức hấp dẫn của Great Ocean Road chính là kiến tạo địa chất kỳ diệu của đại dương, đặc biệt là những cột đá vôi khổng lồ mang tên “12 vị tông đồ”.

Từ thị trấn Anglesea, giáp Melbourne, cung đường Great Ocean Road chạy men theo những ghềnh đá sát mép biển, tiến về phía Tây, tới thị trấn Allansford, thành phố cảng Warrnambool. Bản thân con đường đã là một điểm du lịch tuyệt vời bởi Great Ocean Road dẫn đến nhiều địa danh nổi tiếng. Ở đó, du khách có nhiều lựa chọn để trải nghiệm với những điểm tham quan, chiêm ngưỡng cảnh biển. Đặc biệt là các hoạt động ngoài trời như lướt sóng, lặn biển, chèo thuyền kayak hay thưởng thức văn hóa và ẩm thực vùng biển...

Cung đường chạy qua các khu rừng bạch đàn xanh lá, các điểm đến dành cho du khách ngắm cảnh, khám phá các thị trấn và làng mạc ven biển.
Vẻ đẹp của một mảng thiên nhiên trên bờ biển ven Great Ocean Road.
Một đoạn trên con đường Great Ocean Road băng qua những ngọn đồi uốn lượn, ở đó có những điểm vọng cảnh để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp choáng ngợp vùng biển xanh thẳm nơi eo biển.

Great Ocean Road được xây dựng vào những ngày cuối của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, 19 tháng 9 năm 1919. Tròn gần trăm năm trước, những người lính tham chiến trở về đã quyết định cùng nhau xây dựng một con đường để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Cùng nhau nổ mìn, phá đá, tay cuốc, tay đào những người lính khi đó phải khảo sát và mở đường qua những vùng rừng hoang vắng, dốc núi ven biển nguy hiểm. Với tiến độ 3km/tháng, hơn 3.000 người lính sau 13 năm đã hoàn thành 243km công trình di sản có một không hai này.

Điểm tham quan mang tính biểu tượng của Great Ocean Road là The Twelve Apostles - “12 vị tông đồ” ở Công viên biển Quốc gia Port Campbell. Ban đầu, quần thể đá vôi này có tên Sow and Piglets (Heo mẹ và heo con). Khi người Anh tới, nhìn thấy 12 khối đá vôi này họ đã liên tưởng tới những vị Tông đồ của chúa Jesus trong Kinh thánh và Sow and Piglets đã được đổi tên thành Apostles (Các tông đồ) vào đầu thế kỷ 20.

“12 vị tông đồ” do người Anh đặt tên ấy thực chất là những cột đá vôi khổng lồ, cao 45 mét, sừng sững giữa đại dương, hình thành bởi sự xói mòn của nước biển tác động lên những núi đá vôi từ hàng chục triệu năm về trước. Bờ biển Great Ocean Road vốn là sự giằng co giữa biển và đất liền, tạo thành những bờ đá cao dựng đứng. Sóng và gió đã đào nên những hang động trong vách đá, sau đó tạo cho những cột đá vôi có dạng vòm và cuối cùng, biến chúng thành những cây cột đá vôi.

Sau hàng triệu năm sóng biển bào mòn, “12 vị tông đồ” giờ vẫn tĩnh lặng trầm mặc với những con sóng vờn quanh thân.

Theo các nghiên cứu, phải mất khoảng 20 triệu năm, các khối đá vôi mới có được hình thù như ngày nay và cho đến giờ quá trình xâm thực đó vẫn diễn ra liên tục. Thế nên, dù được mang tên “12 vị tông đồ” nhưng thực tế chỉ còn lại 8 cột đá, bởi hiện tượng xói mòn của sóng biển. Gần đây nhất, năm 2005, một vị tông đồ sụp đổ chỉ trong vài giây tựa như người ta giật sập một tòa nhà. Những gì còn lại của khối đá vôi cao 45 mét này là một đống vụn với chiều cao 10 mét.

Có nhiều cách để chiêm ngưỡng những “vị tông đồ” trên mặt biển bao la và có lẽ từ trên trực thăng là tuyệt nhất, với chi phí 95 USD/người. Nếu chỉ có một lựa chọn cho chuyến du lịch ngắn ngày đến Melbourne, lời khuyên dành cho bạn là không nên bỏ qua cơ hội trải nghiệm cảm giác lơ lửng trên trời ngắm nhìn "12 vị tông đồ" với những con sóng vờn quanh thân. Từ trên cao ấy, những vách đá màu vàng nâu trên bãi biển, màu xanh thẳm của vùng biển vịnh Apollo sẽ là những phút giây khó quên trong cuộc đời, bạn đã “chinh phục” con đường ven biển đẹp nhất nước Úc.

Một bên là núi, một bên là biển, đặc biệt các hình khối đá vôi của “12 vị tông đồ” trên mặt biển làm nên vẻ đẹp diệu kỳ của Great Ocean Road.
Ở công viên biển Quốc gia Port Campbell, những con sóng ầm ào vỗ quanh những cột đá hùng dũng đứng từ hàng thiên niên kỷ. Xuyên qua công viên quốc gia đầy màu sắc này là những bãi biển hoang vắng và khu bảo tồn biển nguyên sơ.
Cận cảnh một trong “12 vị tông đồ” trên mặt biển.
Những vách đá bị nước biển ăn mòn hàng ngàn năm tồn tại trên đại dương nổi bật với màu vàng nâu soi bóng xuống mặt nước biển.
London Bridge trước vốn là cây cầu tự nhiên, nối giữa đất liền và “hòn đảo” trong ảnh và du khách có thể tản bộ ra tận ngoài cùng. Chiếc cầu tự nhiên này bỗng nhiên sụp vào năm 1990, hai du khách may mắn chỉ bị kẹt lại ngoài “hòn đảo” và được trực thăng giải thoát không lâu sau đó.
Để thật sự cảm nhận được hết cái đẹp của Great Ocean Road, nhiều du khách sử dụng dịch vụ bay trực thăng để ngắm toàn cảnh từ trên cao.


Bạn đang đọc bài viết Great Ocean Road: Cung đường kiến tạo trên vách đá tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục