LTS: 7 năm liên tục đứng đầu danh sách 10 thành phố đáng sống nhất thế giới, Melbourne (Australia) là điểm đến hội tụ đủ đầy từ vẻ đẹp của thiên nhiên đến văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, lễ hội… Để giúp bạn một lần chạm đến “thành phố là trái tim của người Úc”, chuyên mục “Photo Travel” tháng 8 sẽ lần lượt giới thiệu loạt phóng sự khám phá nơi đáng sống nhất hành tinh này qua nhiều lăng kính khác nhau.
Lẽ ra, châu Âu với các quốc gia như Đức, Hà Lan sẽ là điểm đến trong dự định, khi tôi làm master ngành Truyền thông. Thành phố đáng sống nhất hành tinh Melbourne đã xen ngang - một người bạn thân làm nghiên cứu sinh ở đây thuyết phục tôi trong lần bạn về Việt Nam lấy dữ liệu. Đến Melbourne tình cờ như thế và cũng không hề biết rằng thành phố đắt đỏ hàng đầu thế giới này cũng là nơi hội tụ của các trường đại học danh tiếng nước Úc như Melbourne, Monash, Swinburne, RMIT hay La Trobe.
Melbourne đón tôi trong cái ngày ngập tràn nắng hè tháng 2, một trải nghiệm thú vị sự trái ngược của tiết trời Nam bán cầu. Đó là những ngày đầu tôi đến Australia trong những bỡ ngỡ, xen lẫn háo hức của bao nhiêu điều mới lạ. Nắng đầu hè ở Melbourne khi đó còn mang lại chút vương vấn của ngày xuân Hà Nội lúc người nhà tiễn chân tôi, mùng 7 Tết.
Bắt đầu làm quen với những ngày “daylight saving time”, ngày dài hơn đêm làm tôi cứ ngạc nhiên bởi mặt trời cứ treo mãi trên cao, chỉ lặn khi kim đồng hồ chỉ sang giờ thứ 21 của đêm. Cứ thế dần quen với Melbourne sau những buổi tiệc BBQ (Barbeque - tiệc nướng ngoài trời) đậm dấu ấn Aussie, những ngôi nhà thiết kế đặc trưng phong cách Victoria, những khu vườn (Garden State) nổi tiếng hay những đường phố cổ kính ở CBD (Central Business District).
Nhắc đến sự cổ kính của phố không thể bỏ qua Flinder Street, nơi có nhà ga Flinder, nhà thờ thánh Paul và quảng trường Federation trải dọc theo tuyến đường. Nhà ga hơn trăm tuổi (xây xong năm 1909) mang tên Flinder là một trong những biểu tượng văn hoá của Melbourne, như ga Hàng Cỏ khi ta nói về Hà Nội. Nổi bật với màu sơn vàng và mái vòm xanh, Melburnian (người Melbourne) yêu nơi này đến nỗi, họ nói với nhau rằng "I'll meet you under the clocks", nghĩa là bạn hiểu cuộc hẹn đó sẽ diễn ra ở hàng đồng hồ, ngay lối vào của ga.
Đối diện ga Flinder, Federation Square lại là địa điểm tụ hội của người Melbourne. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo, pha trộn của bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và quán cà phê, ẩm thực... Những ngày cuối tuần, người Melbourne thường tổ chức các festival, tiết mục biểu diễn dành cho cộng đồng ở đây, thu hút rất đông những người yêu thành phố họ đang sống.
Từ ga Flinder, Melbourne trải rộng theo chiều dài của những tuyến tàu điện. Hệ thống đường ray chạy dài hơn 250km của Melbourne được ghi nhận là dài nhất thế giới hiện nay. Nhưng trước khi lên những chuyến tàu này, tôi hay bất kỳ du học sinh nào cũng trải nghiệm city circle tram cổ kính trước. Những chiếc tram (tàu điện) cổ ở Melbourne có từ những năm 1884, nổi tiếng với âm thanh leng keng khi chạy dọc ngang những khu phố bố trí kiểu ô bàn cờ. Có 31 điểm dừng của city circle tram và khi thấy stop nào có dòng chữ “free trams zone” là có thể đón tram và đó là cách đơn giản nhất để quen đường, quen phố xứ này.
Để khám phá cuộc sống của Melbourne, phải lang thang vào mê cung của những con hẻm nhỏ, nơi nối các tòa nhà quanh phố Flinders, Collins hay Bourke. Những ngõ phố này mang nhiều nét tương đồng với Hà Nội, lẩn khuất ở đó là những quán cà phê thơm lừng, nhà hàng ẩm thực danh tiếng và quan trọng hơn là nơi chứng kiến dòng chảy của Melburnian, bên ngoài ngôi nhà và công sở. Tôi cũng như bất kỳ ai từng sống ở Melbourne, đều mãi nhớ những hẻm nhỏ này bởi mục đích cuối cùng của hành trình du học không chỉ là lấy một tấm bằng có giá trị quốc tế, quan trọng hơn cả là những trải nghiệm đời sống thực tế ở đất nước nơi ta đến. Một Melbourne như chỉ mới ngày hôm qua trong từng khoảnh khắc ảnh của phóng sự này.