Trải nghiệm

Kỳ II: Miếng ngon Cao Bằng

Trải nghiệm - 06:32, 19/09/2020 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Không chỉ hút hồn du khách bởi mùa lúa chín vàng và không gian hùng vỹ của núi rừng Đông Bắc, Cao Bằng còn khiến người ta "thương nhớ" bởi hương vị của các món ăn ngon, mang phong vị riêng ẩm thực miền biên viễn.

LTS: Nếu tính về khoảng cách, từ Hà Nội đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay A Pa Chải (Điện Biên) còn xa hơn đến thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thế nhưng, vùng đất phên dậu Cao Bằng lại khiến người ta nghĩ miền biên viễn này xa xôi hơn, đặc biệt, mỗi khi nhắc đến câu ca: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Phải chăng, những chinh phu đi quân dịch cho nhà Mạc, thời điểm được cho là xuất xứ câu ca dao cổ này đã ai oán sẻ mà chia cung đường xa xôi, không biết ngày trở lại ấy.

Hội tụ đủ thác, hồ, núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trong tháng 7 vừa qua được Insider xếp vào Top 50 điểm đến có view đẹp năm 2020, khi lựa chọn những nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất thế giới. Loạt điểm đến trên cung đường mùa thu vàng miền biên giới được Photo Travel giới thiệu từ kỳ này với độc giả sẽ lần lượt khám phá thác Bản Giốc mùa nước đổ, những hang động kỳ lạ ở Ngườm Ngao, bản của những nếp nhà xếp đá Khuổi Ky, mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn, Phia Oắc, nơi có cả một rừng rêu....

Thu về, khi những cánh đồng thơm mùi lúa đã gặt hết cũng là bắt đầu mùa hạt dẻ. Loài quả có nhiều gai này nhìn bề ngoài trông như như quả chôm chôm nhưng trong lòng chứa khoảng 3 đến 4 hạt. Dẻ nhiều nhất là ở huyện Trùng Khánh và cũng là nơi loài hạt dân giã này được coi là ngon nhất Việt Nam.

Khi tách phần vỏ bên ngoài, mỗi quả chứa khoảng 3 - 4 hạt dẻ và lưu ý là phần gai bên ngoài này rất sắc nên muốn tách vỏ cần những vật dụng cứng như que tre.

Có thời gian, không gì tuyệt vời hơn là lang thang trong rừng dẻ, tự mình chọn tìm những hạt già, rụng dưới thân cây. Buổi tối bên bếp than hồng cùng nhau nướng trong cái lạnh heo may cuối tiết cuối thu, đầu đông.

So với những nơi khác, hạt dẻ Trùng Khánh thường mang nhỏ hơn với lớp vỏ cứng, dày, nên trước khi luộc thường dùng dao khía một đường trên vỏ hạt.
Sau khi luộc chín, công đoạn quan trọng nhất chính là rang hạt dẻ cùng với cát để hạt chín đều và không bị cháy. Khi đó, hạt dẻ có thể ăn ngay hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau.…
Sau khi rang sẽ thấy phần ruột bên trong mềm bở, có màu vàng bắt mắt của hạt dẻ Trùng Khánh…
... và đó mới là khi cảm nhận hết được vị ngon ngọt của loại đặc sản này với mùi hương tỏa ra thơm ngào ngạt.

Miền biên viễn còn nổi tiếng với vịt quay 7 vị, món ăn mà bất kỳ thực khách nào cũng muốn một lần trải nghiệm những ngày ở Cao Bằng. 

Đó là món ngon được chế biến rất công phu, nếu như không muốn nói là quá cầu kỳ bởi người dân nơi đây. Bắt đầu từ khâu chọn vịt, phải là lúc vịt đang trong độ thịt ngon nhất, thường từ 1,8kg đến 2kg. Sau khi làm sạch, chúng được nhúng qua nước sôi cho da căng, săn lại và để khi quay, vịt ngon và giòn.

Vịt quay 7 vị là món ăn bất kỳ du khách nào cũng mong một lần trải nghiệm khi đến Cao Bằng bởi được người dân ở đây chế biến rất công phu…
… sau khi quay xong da vịt vàng màu mật, rộm cánh gián, thịt ăn chắc và ngọt, mềm nhưng không bở, cũng không dai. Mỗi khi ăn người ta phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của mật ong với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt.

Đặc biệt nhất của món vịt quay là khâu ướp gia vị. Người Cao Bằng sử dụng tới 7 loại gia vị khác nhau gồm gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ và quả mắc mật khô để tạo nên gia vị tẩm ướp sau đó rót từ từ vào bụng để thấm thật sâu vào từng lớp thịt.

Cùng với quay 7 vị, có nhiều thứ quà để khách mang về sau chuyến trải nghiệm Cao Bằng mà lạp sườn để gác bếp hay hun bằng khói bã mía là món được ưu tiên nhất. Trước đây, lạp sườn là món ăn truyền thống, không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Giờ lạp sườn được làm, bày bán nhiều ở khu vực Vườn Cam, phường Hợp Giang và hầu như có quanh năm.

Bên cạnh vịt quay, lạp sườn ở Cao Bằng cũng được chế biến cầu kỳ bằng cách đem lòng lợn non rửa sạch nhiều lần, phơi khô thành lớp vỏ bao bọc bên ngoài sau đó để gác bếp hay hun bằng khói của bã mía…
Ngày xưa, chỉ đến ngày Tết, lạp sườn mới được làm nhưng nay thì hầu như có quanh năm và dần trở thành món ăn truyền thống của người Cao Bằng. Lạp sườn bày bán nhiều và như phố riêng của các đặc sản khô ở khu vực Vườn Cam, phường Hợp Giang.

Thịt bò gác bếp ở Cao Bằng cũng ngon không kém lạp sườn. Loại thịt bò dùng để gác bếp ngon nhất là thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.

Là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện vùng cao Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, đến Cao Bằng phải thưởng thức món thịt bò gác bếp. Đây là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo. Trong ảnh là những lát thịt bò có màu nâu đỏ, nhìn có vẻ khô nhưng lại rất mềm, hơi dai mà không bị xác.

Là loại hình du lịch kết hợp giữa nhu cầu trải nghiệm việc thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương và tham quan các địa danh du lịch trên hành trình khám phá các điểm đến của du khách, du lịch ẩm thực (food tourism) phổ biến ở nhiều nước. 

Food tourism không chỉ phục vụ khâu ăn uống đơn thuần mà còn được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến đi và Cao Bằng là nơi có thể phát triển loại hình này thu hút du khách. Để những món ăn hòa quyện bởi mùi thơm của nắng vùng cao, mùi thoảng thơm của núi rừng, vị thơm, ngọt của thịt khiến du khách vương vấn mỗi khi nhắc nhớ chuyến đi của mình nơi biên viễn.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ II: Miếng ngon Cao Bằng tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục