Mang đậm dấu ấn 300 năm lịch sử sông nước đầy thi vị của đất phương Nam xưa, Sài Gòn - TP.HCM ngoài dòng sông lớn mang tên Thành phố, có nhiều nhánh sông đã tạo nên những con kênh len lỏi giữa các quận nội đô như kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lò Gốm, Tham Lương, Cầu Bông, Thanh Đa...
Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phong phú như vậy, rất thuận tiện trong việc phát triển giao thông đường thủy của Thành phố. Đặc biệt, từ khi những city tour độc đáo trên mặt nước dọc sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hình thành, du khách lại có thêm nhiều trải nghiệm với các sản phẩm du lịch phù hợp với thời gian ngắn ghé thăm Sài Gòn.
Với lộ trình dài gần 11km, xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) và kết thúc ở bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức), chuyến “xe buýt đường sông” (cách gọi dân giã của loại hình Water Bus) “lướt” ngang qua những không gian đối lập nhau của Thành phố. Bên cạnh các tòa nhà chọc trời, bến du thuyền hiện đại là các khu nhà ở tạm của người lao động, nơi mưu sinh của cư dân ven sông Sài Gòn. Đặc biệt, vẫn còn đó những chuyến đò gỗ, xuôi ngược vận chuyển nông sản, hoa quả từ miền Tây về Thành phố trên sông.
Cùng với sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vốn là một trong ba tuyến đường thủy tự nhiên quan trọng của Thành phố, dù có nhiều biến đổi và đã có lúc trở thành dòng kênh chết bởi ô nhiễm từ rác thải dân sinh sống hai bên bờ. Nhờ đầu tư cả trăm triệu USD cải tạo, Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thực sự “hồi sinh”, trở thành dòng kênh sạch với một diện mạo hoàn toàn mới.
Mong muốn tái hiện hình ảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập ngày xa xưa trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một tuyến du lịch đường thủy nội đô do Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư với 12 thuyền Phụng (Gondola) đã hoạt động từ tháng 9 năm 2015. Là loại thuyền cao cấp, thuyền Phụng được thiết kế với hai tông màu xanh trắng bắt mắt, hình dáng làm gợi nhớ những chiếc Gondola, một loại thuyền gỗ đáy bằng, màu đen của thành Venice, nước Ý.
Với lộ trình kéo dài 4,5km, những chiếc thuyền Phụng xuất phát từ bến thuyền ở đường Hoàng Sa, quận 1 (chân cầu Thị Nghè), đưa du khách đi dọc kênh hướng về phía quận Tân Bình, dừng tại điểm cuối gần chùa Chantaransay, phường 7, quận 3 (gần cầu Lê Văn Sỹ) và ngược lại. Tổng thời gian di chuyển hơn một tiếng đồng hồ và điểm đặc biệt của những chiếc thuyền Phụng chở khách là sử dụng chèo tay, hạn chế dùng động cơ để đảm bảo môi trường sống của các loài cá.
Loại hình du lịch kênh, rạch nội đô trên thế giới từ lâu đã thu hút du khách ở các thành phố châu Âu như Venice (Ý), Paris (Pháp), London (Anh) hay Vienna (Áo)… Và dù rất mới ở TP.HCM, loại hình du lịch này cũng đã hình thành những city tour độc đáo với du khách, nhất là vào lúc hoàng hôn buông xuống mặt nước, nơi có những chiếc thuyền Phụng màu xanh trắng và những cô lái thuyền duyên dáng trong tà áo dài.