Buổi sáng, bình minh còn rót vàng nắng lên những nông trại rau, chói chang như hè buổi ban trưa, thế mà chiều đã mưa tầm tã. Dù ẩm ương thì Đà Lạt vẫn đẹp, chỉ khác là bạn có nhìn ra vẻ đẹp ấy không thôi.
Phố xá chìm trong sương mù, mưa bụi khiến Đà Lạt cuối chiều càng trở nên lãng mạn, nhất là khi ngang qua mấy quán cà phê cuối đường Trương Công Định, nơi những ca từ cứ da diết: “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa/ Người lưa thưa chìm dưới sương mù” hay “Từng đôi đi trên phố vắng/ Bước chân êm giữa không gian”.
Mưa Đà Lạt làm dậy mùi lá thông, mùi đất đỏ nồng nàn, mùi của quang gánh hàng rong lầm lũi trong những ngõ phố. Người Đà Lạt không vội vã, mở ô bước đi lầm lũi trong cơn mưa chiều khiến lữ khách ngang qua tự nhiên theo bước chân cùng họ.
Trên những con dốc quanh co, lối đi trở nên bóng loáng nước, huyền ảo và thôi thúc người ta khám phá. Xuất phát từ địa hình mấp mô, không bằng phẳng, Đà Lạt là xứ sở của những con dốc có cả trăm năm tuổi mà chiều rộng vẫn như thuở ban đầu. Đó là lối đi hẹp, một nửa lát đá dành cho người đi bộ, nửa còn lại tráng xi măng dành cho người đi xe máy.
Lang thang nơi dốc phố, tôi có cảm giác như lạc vào mê cung bởi ở đó có thật nhiều ngã rẽ. Thoát khỏi mê cung ấy, du khách sẽ bắt gặp nếp nhà nhuốm màu thời gian của ông Bùi Công Danh nằm ở cuối con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Trỗi. Trong căn nhà hơn trăm năm tuổi vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa phố núi, người “muôn năm cũ” như ông Danh kể cho tôi nghe những ký ức về Đà Lạt chưa xa của mình.
Khi đã mỏi chân, ghé đoạn cuối dốc Trương Công Định, nơi nay đã trở thành “phố Tây”, là những quán cà phê vẫn mang nét đặc trưng rất riêng của Đà Lạt. Mỗi quán có một cách bài trí không gian khác nhau nhưng đều “dụ dỗ” người ta về với những dư âm xa vắng. Trong tiếng nhạc du dương một cuối chiều sống chậm, tôi ngồi đó ngắm những con phố ướt mưa và “lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ”.