Trải nghiệm

Phù Lãng trăm năm một sắc gốm “vàng óng da lươn”

Trải nghiệm - 06:30, 14/03/2020 G3T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Là một trong ba trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa, gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ) mang nét riêng biệt bởi màu nâu đen, vàng nhạt gọi là men da lươn, khác hẳn gốm men trắng Bát Tràng và gốm không men Thổ Hà.

Nằm ven sông Cầu, muốn về thăm làng, bạn có thể đi xe máy dọc theo quốc lộ 5, rẽ vào đường 1A mới rồi tới bùng binh cầu vượt Bắc Ninh sau đó rẽ phải đường đi Phả Lại. Tới cây số Phả Lại 6km, rẽ phải xuống con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu chừng 5 đến 10 phút là về tới làng. Còn nếu đi xe bus, từ xe số 54 tuyến Long Biên - Bắc Ninh, bạn tiếp tục chuyển xe Bắc Ninh - Sao Đỏ là đến làng Phù Lãng.

Đến Phù Lãng là về với hình ảnh của những ngôi nhà nối nhau tít tắp với mái ngói nâu đỏ dọc con đường chính của làng.

Ở Phù Lãng, dễ bắt gặp những ngôi nhà gạch trần, mái ngói âm dương tông nâu trầm và trên sân nhà đầy gốm xếp ngay hàng thẳng lối. Đó là các sản phẩm gốm cho đến giờ phần lớn công đoạn vẫn được người Phù Lãng làm thủ công, từ khâu chọn đất, phơi khô, ngâm nước, cắt đất...

Chất liệu đất sét có "xương" đất đỏ hồng, khai thác tận các vùng ở Bắc Giang tạo nên sắc gốm Phù Lãng với tông màu đặc trưng.
Đất làm gốm sau khi phơi bạc màu đập thành viên nhỏ, cho "ngậm" nước và nề đất tới khi nhuyễn mịn như miếng giò.
Sau khi đất sét đã luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định, gồm Phù Lãng được tạo hình trên bàn xoay tay …
… và quanh bàn xoay tay phải có hai người, một người chuyên ngồi chuốt, người còn lại vần bàn xoay…

Nếu gốm Thổ Hà có chất liệu từ "xương" đất sét xanh, gốm Bát Tràng từ đất sét trắng thì gốm Phù Lãng lại được tạo nên từ "xương" đất đỏ hồng. Thứ đất có độ dẻo đặc biệt này phải lấy tận vùng Thống Vát, Cung Khiêm ở Bắc Giang sau đó chở về Phù Lãng theo đường thủy trên sông Cầu.

Đất làm gốm phơi cho đến bạc màu, sau đó đập thành viên nhỏ, cho "ngậm" nước và nề đất tới khi nhuyễn mịn như miếng giò. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ gốm, đất được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn, sau đó để cho se dần. Cuối cùng là ve, nạo sản phẩm và tạo màu cho gốm từ một lớp men tro cây rừng (loại cây khi đốt, tàn tro trắng như vôi hoặc tàn thuốc và là lim, sến, táu, nghiến).

… người vần bàn xoay thêm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn).
Kỹ thuật tráng men gốm Phù Lãng cũng rất đặc biệt, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng, sau đó đem phơi cho đến khi sản phẩm có màu trắng đục.
Nung gốm là công đoạn quan trọng để đảm bảo màu sắc cho sản phẩm và nhiệt độ lò nung nhất định phải đạt 1.000 độ C, khi đó lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc.

Để đảm bảo gốm có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc, lò nung phải luôn ở nhiệt độ đến 1.000 độ C và củi vẫn là chất đốt phổ biến sử dụng để nung gốm. Xương đất sét màu hồng nhạt của gốm nung ở nhiệt độ cao trong lò chuyển sang màu gan gà, rồi dần thành hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen mà người Phù Lãng gọi là men da lươn. Do được làm hoàn toàn thủ công nên sản phẩm của mỗi nhà một khác, kể cả màu men vàng da lươn (vàng nhạt, vàng thẫm, vàng lục, vàng nâu, vàng đỏ...). 

Gốm Phù Lãng được biết nhiều đến với các sản phẩm gia dụng như tiểu quách, ống nước, chum, chậu, âu, ấm sắc thuốc... Trong ảnh là tiểu sành xếp chồng cao ngất thành ngõ của một ngôi nhà.
Trong nhiều ngôi nhà ở Phù Lãng, các mặt hàng gốm mỹ nghệ như thạp, hũ, bình, lọ… mang tông màu men da lươn hoặc nâu đỏ chất đầy. Nhiều người trẻ ở làng đã áp dụng kiến thức mỹ thuật của mình trên những sản phẩm gốm ở xưởng của mình mà gốm Nhung là một trong số đó.
Từ chỗ chỉ làm vật gia dụng như chum, sành, quách, tiểu, vại đặt dưới đất, gốm Phù Lãng, đặc biệt là gốm Nhung trong ảnh được trang trí thanh nhã trong phòng khách của các gia đình nơi đô thị.

Hồn cốt của gốm Phù Lãng được tạo nên chính từ sự mộc mạc của nước men da lươn ở mỗi lò mang một vẻ này. Đó cũng là lý do mà khi nhắc nhớ tới Phù Lãng, những người yêu gốm cổ truyền như tôi luôn dành cho ngôi làng cổ này một tình cảm sâu lắng và chỉ xách ba lô về làng, tìm cho mình thạp, hũ, bình, lọ…, mang tông màu men da lươn riêng biệt ấy.

Bạn đang đọc bài viết Phù Lãng trăm năm một sắc gốm “vàng óng da lươn” tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục