Ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ này được ví như “kinh đô thời trang” của giới hầu đồng bởi đây gần như là nơi duy nhất làm nên những bộ khăn chầu áo ngự có giá cả trăm triệu đồng. Về làng thêu Đông Cứu, chứng kiến sự kỳ công để làm nên một bộ trang phục từ kỹ thuật thêu cổ xưa mới thấy cái giá thế là xứng đáng.
Tương truyền, tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661), người làng Quất Động (Thường Tín) trong một lần đi sứ phương Bắc đã học được nghề thêu. Ông truyền bá nghề cho nhân dân trong làng mình và các vùng lân cận, trong đó có Đông Cứu. Đặc biệt, Đông Cứu nổi tiếng bởi nghề thêu long bào, áo mão cho vua, quan, quý tộc xưa với các họa tiết mang hình rồng, phượng.
Với kỹ thuật thêu lối cổ Đông Cứu, những người thợ sử dụng sợi kim tuyến thêu các đường bao, đường viền của họa tiết được thêu như móng rồng, vẩy rồng, vân mây… Sợi kim tuyến được đặt lên mặt vải, họ dùng sợi tơ thêu cố định sợi kim tuyến vào mặt vải và đây là công đoạn yêu cầu người thợ có tay nghề cao.
Ngoài ra, người Đông Cứu còn có các kỹ thuật khác như nhồi vòng quanh kim tuyến, nhồi đặc, nhồi lộn kim tuyến, thêu quắn, thắt thịt không nhồi… khiến các hình thêu rồng, phượng sinh động, sắc sảo, lộng lẫy bởi màu óng ánh của kim tuyến.
Người thợ thêu Đông Cứu không chỉ nắm vững các kỹ thuật thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nối đầu, thêu đột, thêu kim tuyến... mà còn là một họa sĩ biết chọn màu, phối màu thuần thục để thể hiện hình ảnh rồng, phượng thật sinh động trên các sản phẩm hia, hài, mũ thờ, trang phục tế lễ, hầu đồng, tán, lọng, y môn...
Những năm qua, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được trùng tu, khôi phục chính là điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Sản phẩm của làng hiện được bày bán trên phố Hàng Quạt (Hà Nội). Dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn tồn tại và phát triển ở Đông Cứu.