LTS: Nếu tính về khoảng cách, từ Hà Nội đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay A Pa Chải (Điện Biên) còn xa hơn đến thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thế nhưng, vùng đất phên dậu Cao Bằng lại khiến người ta nghĩ miền biên viễn này xa xôi hơn, đặc biệt, mỗi khi nhắc đến câu ca: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Phải chăng, những chinh phu đi quân dịch cho nhà Mạc, thời điểm được cho là xuất xứ câu ca dao cổ này đã ai oán sẻ mà chia cung đường xa xôi, không biết ngày trở lại ấy.
Hội tụ đủ thác, hồ, núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trong tháng 7 vừa qua được Insider xếp vào Top 50 điểm đến có view đẹp năm 2020, khi lựa chọn những nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất thế giới. Loạt điểm đến trên cung đường mùa thu vàng miền biên giới được Photo Travel giới thiệu từ kỳ này với độc giả sẽ lần lượt khám phá thác Bản Giốc mùa nước đổ, những hang động kỳ lạ ở Ngườm Ngao, bản của những nếp nhà xếp đá Khuổi Ky, mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn, Phia Oắc, nơi có cả một rừng rêu...
Dưới chân thác đổ, tôi mới biết chuyện tình của người con gái Tày đẹp nhất nơi này, đầy bi thương nhưng cũng chính là sự khởi đầu của cái tên Bản Giốc. Được hoàng tử đem lòng yêu mến nhưng cô gái lại đem lòng yêu chàng trai bản bên và từ chối tình yêu của vương quyền.
Giận dữ khi bị phụ tình, hoàng tử đã sai người đi lùng bắt cô gái và giam lại trong cung. Chàng trai bản, người yêu cô đã bất chấp hiểm nguy đi tìm và cuối cùng cũng cứu được nàng nhưng lại vào cái ngày trời đổ mưa liên tục. Vì quá mệt, họ đã lịm đi trong những phút giây của hạnh phúc rồi điều kỳ lạ đã xảy ra.
Khi trời ngừng mưa, người ta không còn thấy xác hay bất kỳ một dấu vết nào sót lại của đôi trai gái. Chỉ xuất hiện hai ngọn thác đổ nước trắng xóa và kể từ đó người dân vùng này gọi tên là thác Bản Giốc để tưởng nhớ. Bởi vậy, thác Bản Giốc cũng được biết đến như một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và lâu đời.
Đó là truyền thuyết, còn về địa lý, sông Quây Sơn xuôi dòng qua xã Chí Viễn đến xóm Con Muông, xã Đàm Thủy thì đổ dòng, tạo nên thác Bản Giốc nhuốm màu huyền hoặc. Quây Sơn nghĩa Hán - Việt là dòng sông chảy quanh núi. Đây là con sông len lỏi qua những vùng núi đá vôi, có chỗ lặng lờ trôi, có đoạn phẳng như mặt hồ và ở đoạn cuối đổ xuống, tạo nên dòng thác hùng vĩ; có tổng chiều dài là 89km, trong đó 40km sông chảy trên đất Trung Quốc với tên gọi Quy Xuân, 49km còn lại trên đất Việt mang tên Quây Sơn như chúng ta biết.
Năm 1999, theo Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao 70m, độ sâu 60m rộng 300m chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, mặt sông này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng chung. Đó cũng là lý do thác Bản Giốc được coi như đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hai bờ dòng Quây Sơn là hai bến bè tre du lịch của hai nước. Mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 9 là thời điểm mà thác Bản Giốc đổ nước mạnh nhất, bọt tung trắng xóa, tạo nên một khung cảnh vô cùng tráng lệ, hùng vĩ. Đó chính là thời điểm thích hợp nhất cho chuyến đi Bản Giốc của rất đông du khách.
Từ năm 1922, thác Bản Giốc đã được Sở Địa chất Đông Dương miêu tả trong tư liệu là một vùng đẹp nhất của Tonkin (Bắc Kỳ) nên được người châu Âu biết đến từ rất sớm. Nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng trên thế giới đã bình chọn và đưa thác Bản Giốc trở thành một trong 10 con thác kỳ vĩ nhất thế giới.
Những ngày đầu tháng 10 là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bản Giốc và mùa lúa chín nơi cánh đồng dưới chân thác. Từ trên đỉnh thác, nước cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa, ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến. Đặc biệt, từ 16h mỗi cuối chiều, khi ánh nắng xiên khoai trên đầu bông lúa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh sắc hiếm thấy. Đó là mảng màu xanh vàng của lúa chín tầng bậc trên các thửa ruộng hòa quyện cùng sắc trắng của dòng nước, một bức họa sơn thủy hữu tình níu chân lữ khách nơi đất trời biên cương.