LTS: Nếu tính về khoảng cách, từ Hà Nội đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay A Pa Chải (Điện Biên) còn xa hơn đến thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thế nhưng, vùng đất phên dậu Cao Bằng lại khiến người ta nghĩ miền biên viễn này xa xôi hơn, đặc biệt, mỗi khi nhắc đến câu ca: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Phải chăng, những chinh phu đi quân dịch cho nhà Mạc, thời điểm được cho là xuất xứ câu ca dao cổ này đã ai oán sẻ mà chia cung đường xa xôi, không biết ngày trở lại ấy.
Hội tụ đủ thác, hồ, núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trong tháng 7 vừa qua được Insider xếp vào Top 50 điểm đến có view đẹp năm 2020, khi lựa chọn những nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất thế giới. Loạt điểm đến trên cung đường mùa thu vàng miền biên giới được Photo Travel giới thiệu từ kỳ này với độc giả sẽ lần lượt khám phá thác Bản Giốc mùa nước đổ, những hang động kỳ lạ ở Ngườm Ngao, bản của những nếp nhà xếp đá Khuổi Ky, mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn, Phia Oắc, nơi có cả một rừng rêu....
Với mô hình du lịch homestay, ngôi làng độc đáo bởi kiến trúc đá này của bà con dân tộc Tày trở thành nơi giao lưu văn hóa, cùng người dân bắt cá, hái măng, khám phá những món ăn hấp dẫn như thịt hun khói, lạp sườn gác bếp, cá suối nướng…
Hình thành hơn 400 năm trước, những nếp nhà sàn đá của người Tày ở làng Khuổi Ky yên bình nép phía sau những dãy núi nơi biên ải. Vẫn là kiến trúc nhà sàn quen thuộc của người vùng cao nhưng Khuổi Ky có phần lạ lẫm hơn, bởi từ kết cấu đến chất liệu dựng nhà đều từ đá tự nhiên, vững chãi và chắc chắn.
Theo chị Triệu Thị Hằng, dân tộc Tày, chủ một homestay đá ở Khuổi Ky thì người dân nơi đây từ lâu coi đá thiêng liêng như vị thần, bao bọc và giúp họ sinh tồn qua nhiều thế hệ. Mỗi năm, người Tày đều có những ngày nhất định để tế lễ cảm tạ các vị thần đá, thần rừng… và tập tục tế thần đá quê chị còn thể hiện ý thức trách nhiệm của một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên.
Với tâm niệm và ý thức như thế nên người dân làng Khuổi Ky sử dụng đá như một vật liệu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Từ con đường lát đá phẳng phiu, tường rào, bàn ghế, đến bếp lửa, cối xay, cối giã…, bạn sẽ ngỡ ngàng khi lạc bước ở Khuổi Ky, nơi đá hiện hữu ở mọi nơi.
Ngược dòng thời gian, theo Ban Quản lý Công viên địa chất non nước Cao Bằng thì khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách bảo vệ biên cương thì những ngôi nhà sàn đá bắt đầu hình thành. Đó thực sự là những “pháo đài” độc nhất vô nhị với tường đá kiên cố, hình thành từ những viên đá có nhiều kích cỡ xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát.
Khuổi Ky giờ là bản có 100% hộ là dân tộc Tày nên phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt thuần chất bản địa, khiến du khách đến đây thích thú được trải nghiệm bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày. Bạn có thể theo chân chị Triệu Thị Hằng và dân bản đi hái măng, đào củ, bắt cá hay cùng chế biến món ăn đặc trưng của người Tày miền Đông Cao Bằng như thịt heo hun khói và lạp xưởng gác bếp.