Huyền thoại kể lại nhóm tiền hiền đầu tiên từ đất liền vượt trùng khơi đặt chân lên đảo từ những năm đầu thế kỷ XVII. Thực hư quá khứ khó kiểm chứng, chỉ biết trên hòn đảo nhỏ chưa đầy 10km2 nhưng người ta vẫn ưu tiên cho đền thờ miếu mạo của các dòng họ "thất tộc, lục tổ”. Lý Sơn có cả một khu mộ gió dành cho những người mãi mãi để hình hài ngoài biển khơi. Những ngôi mộ gió với hài cốt chỉ đất sét, cành tre nhưng vô cùng linh thiêng. Đình làng An Vĩnh biết bao lần chứng kiến lễ tế sống những người lính trong hải đội Hoàng Sa bởi biết một đi khó trở lại.
Tận mắt nhìn thấy những con thuyền, những bó nẹp tre, đôi chiếu và những sợi dây mây trưng bày tại bảo tàng, những chiếu chỉ sắc phong của các chúa và vua Nguyễn, đứng dưới chân tượng đài hải đội Hoàng Sa với dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa” mới thấy hết khúc ca bi tráng của biển cả mênh mông, mới hiểu hết ý nghĩa của “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Lý Sơn là bảo tàng sống, bảo tàng ngoài trời về quá trình hình thành và xác lập chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa.
Khúc tráng ca vĩ đại của biển, khúc tráng ca về số phận con người còn được thể hiện ngay trong cuộc sống yên bình. Dưới cái nắng gay gắt, con người nhẫn nại gieo mầm xanh cho đảo. Để có được những cánh đồng tỏi xanh mát, người ta lên núi gánh đất bazan về trải xuống mặt ruộng, lại ra biển lấy cát trắng về rải lên trên những tép tỏi giống đã được găm xuống đất. Tỏi Lý Sơn có giá trị cao không chỉ đơn thuần là sự kết tinh về mặt sinh học tự nhiên của cát, của nắng và gió biển, mà còn là kết tinh nhân học của những nhọc nhằn lam lũ, những bàn chân dẫm trên cát bỏng, những tấm lưng trần bạc nắng gió. Mỗi tép tỏi Lý Sơn chứa đựng đủ cả vị ngọt ngào và đắng đót của cuộc sống.
Đến với Lý Sơn là đến với cảnh đẹp hoang sơ man dại như tranh vẽ của Levitan. Đứng trước thiên nhiên ở hang Câu, chùa Đục hay chùa Hang ai cũng phải ngỡ ngàng với tuyệt tác thiên nhiên. Đó là sự sắp đặt tuyệt vời của bàn tay tạo hóa. Màu xanh của biển Lý Sơn không hề giống với màu xanh của biển các nơi khác. Đó là màu của ngọc bích, sóng sánh, sóng sánh một màu xanh không dễ gì nắm bắt. Cái màu xanh vô tận của biển cả được những dãy núi nham thạch soi mình. Những nếp gấp của đá trầm tích như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình của nghệ sĩ bậc thầy thiên nhiên được soi chiếu bởi ánh bình minh rực rỡ tạo nên một màu vàng đến ngỡ ngàng. Đi trên bãi biển thấy con người vừa nhỏ bé vô thường, vừa vĩ đại cao cả. Có thể vì cảm xúc đó nên dù trẻ, dù già, dù vui, dù buồn, ai cũng muốn giơ cao tay và hét thật to để bày tỏ cảm xúc trước bình minh ở hang Câu hay trước ánh hoàng hôn ở cổng Tò Vò.
Đến Lý Sơn mà không có hành trình ra đảo Bé thì coi như chưa biết Lý Sơn. Cả hành trình ra đảo Bé, nước biển cứ xanh ngăn ngắt. Màu xanh làm cho người ta cứ muốn ngã xuống đó, hòa nhập vào đó bởi yêu quá đi, cái màu xanh đặc biệt này... bãi tắm của xứ thần tiên chính là bãi tắm ở đảo Bé. Không giống với bất cứ bãi tắm nào đã đến, bãi tắm đảo Bé hoang sơ và thuần khiết như hàng tỷ năm về trước. Muốn xuống bãi tắm phải trèo qua những tảng đá xù xì nhọn hoắt, sản phẩm của trận núi lửa của hàng hai mươi, ba mươi triệu năm trước. Một bãi cát trắng tinh khiết với làn nước biển xanh ngọc có thể nhìn thấy tận đáy nước bằng mắt thường. Dưới lớp nước biển xanh đặc biệt đó những chú cá bơi lội tung tăng. Tắm một lần ở đảo Bé, sẽ nhớ mãi cả đời.
Ước mong sao có lần quay lại, được ngồi dưới bóng mát cây bàng vuông trước chùa Hang ngắm nhìn cả biển khơi xanh bao la; được ngắm bình minh hang Câu với tia vàng óng ánh hắt lên lớp đá trầm tích sừng sững soi mình làm dáng với biển; được leo lên vách đá cao chùa Đục ngắm cổng Tò vò và những bãi đá nham thạch đen bóng với những hình thù kỳ lạ trước hoàng hôn; được đắm mình hòa lẫn vào làn nước xanh ngọc bích của đảo Bé An Bình; đến giếng nước ngọt và cột cờ trên đỉnh Thới Lới ngắm nhìn Lý Sơn từ trên cao; dạo bộ thư thả trong khuôn viên của trường trung học phổ thông Lý Sơn ngắm những bông phượng vĩ màu đỏ rực khác lạ... Lý Sơn là tiếng gọi về nơi xác lập chủ quyền biển Việt Nam, là thiên đường tuyệt mỹ giữa biển khơi.