Trải nghiệm

Kỳ 3: Phiên chợ Mèo Vạc - nơi “đến để mà say” ở tột Bắc

Trải nghiệm - 06:30, 02/11/2019 G11T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Là phiên chợ lớn nhất của 18 xã huyện Mèo Vạc, bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của sắc áo chàm, có một “đặc sản” không thể thiếu có thể mua và dùng ngay tại chỗ là những chén rượu ngô ngọt ngào.

Ở nơi trập trùng đá núi tột Bắc Hà Giang, không chỉ các địa danh như Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, thung lũng đẹp như cổ tích Lũng Cẩm là điểm đến mong ước của bao người mà những chợ phiên, chợ lùi độc đáo của bà con các dân tộc ở đây cũng níu giữ những đôi chân ham xê dịch. Là phiên chợ lớn nhất của 18 xã huyện Mèo Vạc, bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của sắc áo chàm, có một “đặc sản” không thể thiếu có thể mua và dùng ngay tại chỗ là những chén rượu ngô ngọt ngào.

Mỗi phiên chợ Mèo Vạc, ngoài nông sản phục vụ đời sống, có một “đặc sản” không thể thiếu là men rượu ngô ngọt ngào.

Mèo Vạc là phiên chợ còn lại giữ những nét hoang sơ nhất cao nguyên đá khi chợ phiên Đồng Văn đã không còn họp trên nền cũ. Là một phần cuộc sống của người dân miền Đá, chợ phiên Mèo Vạc họp vào mỗi sáng chủ nhật trên khoảnh đất rộng cả héc-ta, bày bán đủ những nông sản phục vụ đời sống, xen lẫn khu bán trâu, bò cùng với chợ bán rượu và ẩm thực.

Nằm tách riêng trên bãi đất trống ngay trước cửa chợ, khu bán rượu là nơi những người đàn ông dân tộc Mông sau khi đã bán trâu, bò tìm đến “để mà say”. Ở đây có vài chục “quầy” rượu, với vài chiếc bàn gỗ, hoặc nhựa, dăm cái ghế vuông, mấy cái ghế dài và chục lít rượu ngô là giữ chân khách. Những chiếc can 10 lít, 20 lít chứa đầy rượu, xếp trắng cả một góc mà chủ nhân chủ yếu là những người phụ nữ dân tộc Mông.

“Quầy” rượu chỉ với chiếc bàn gỗ, dăm cái ghế vuông nhưng đặc biệt là những chai rượu ngô chứa trong chai bia tàu màu xanh được chụm lại trên bàn, nơi những người đàn ông Mông ngồi kín.

Cả tuần cặm cụi trên những nương ngô thổ canh trên đá tai mèo, lại sống biệt lập ở các ngọn núi khác nhau nên những người đàn ông dân tộc Mông không dễ gặp nhau. Chỉ khi xuống chợ phiên, gặp bạn và thường đàn ông người Mông cứ vui như thế phải có chén rượu ngô men lá. Thậm chí, đó là niềm tự hào riêng của người phụ nữ Mông nếu ở chợ mà chồng mình được nhiều người mời chén rượu.

Cây ngô trồng nơi hốc đá khi thu hoạch thường làm mèn mén hoặc thức ăn cho vật nuôi, còn lại chủ yếu người Mông ủ làm rượu. Kết hợp với thứ men lá cổ truyền, thứ rượu ngô bày bán ở đây mang vị ngọt đượm, thơm, không bị gắt, đặc biệt là rượu ngô Lũng Phìn. Thứ rượu hảo hạng này được các hộ dân ở đây nấu theo bí kíp, mỗi gia đình lại có cách ủ men lá riêng, tạo nên hương vị độc đáo của từng họ tộc nấu rượu.

Người đàn ông mặt đỏ gay khi say men nồng của rượu ngô nơi phiên chợ “đến để mà say”.

Dưới cái lạnh của cao nguyên đá, bên nồi thắng cố ngựa, làm vài chén rượu ngô Lũng Phìn ở chợ phiên Mèo Vạc thì đúng là không gì bằng với cả người dân trong vùng cũng như khách xuôi lên. Những chén rượu ngô làm nóng phiên chợ nhưng lại không quá ồn ào và có lời qua tiếng lại. Có chăng là tiếng chén va vào nhau leng keng cùng những cái bắt tay mạnh mẽ, ấm áp của những người đàn ông Mông với nhau. Cách họ mời tôi và mời nhau chén rượu cũng rất riêng, cả hai tay nâng chén rượu mời, người nhận cũng đáp lại tương tự như thế. Những người bạn già cũng nâng chén rượu nồng, thăm hỏi gia đình và chúc nhau sức khỏe mỗi khi gặp nhau nơi phiên chợ. Thậm chí, có những người phụ nữ tuổi trung niên, nôm na là đã “sồn sồn” nơi góc chợ gặp nhau, môi nâng chén rượu, khuôn mặt đỏ phừng tỉ tê những lời thân tình nhất.

Chén rượu cứ đong đầy vơi mãi, câu chuyện tưởng chừng chẳng bao giờ cạn của hai người phụ nữ Mông ở góc chợ.

Dạo chơi phiên chợ Mèo Vạc, không chỉ trải nghiệm sắc màu cuộc sống miền Đá, với khách lãng du còn là dịp để khám phá men rượu nồng của cộng đồng dân tộc Mông. Dù uống được hay không, khách cũng cảm thấy lâng lâng khi ngang qua đây, trong mùi thơm của men rượu thoang thoảng một góc chợ phiên.

Cách những người đàn ông dân tộc Mông mời nhau chén rượu cũng rất riêng, cả hai tay nâng chén rượu mời và người nhận cũng đáp lại tương tự.
Chủ nhân “quầy” rượu là những người đàn bà trong mưa lạnh, đứng bán rượu. Họ không ngồi bán hàng, giống như người dưới xuôi và cũng chẳng ngồi trên những chiếc ghế lùn lùn cho đỡ mỏi chân mà đứng bán rượu cho khách.
Thực khách đi mua rượu với chiếc chén tống trong tay, thử chén rượu ngô ngọt ngào ở các hàng rượu ngon.
Cả góc chợ thơm nồng mùi rượu ngô với những người đàn ông ngồi quanh bàn rượu, rôm rả nâng chén trong cảnh bán buôn đã vãn.
Người phụ nữ dân tộc Mông bình thản che ô cho con trên lưng, chờ chồng tàn cuộc nhậu. Cái lý của những người vợ dân tộc Mông thật ra rất đơn giản, chồng mình nếu có nhiều bạn thì đến chợ sẽ gặp gỡ nhiều.
Khi đã say men nồng của rượu ngô, những người đàn ông mượn tiếng khèn để biểu hiện tình cảm của mình. Men say của rượu ngô làm cho tiếng khèn càng thêm lưu luyến và cao vút.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Phiên chợ Mèo Vạc - nơi “đến để mà say” ở tột Bắc tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục