Trải nghiệm

Tìm “ngọc” nơi "rừng xanh, núi đỏ" Lục Yên

Trải nghiệm - 06:30, 28/09/2019 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Đá quý Lục Yên có độ cứng, màu sắc được đánh giá cao trên thị trường và người “đất ngọc” tự hào là nơi tìm thấy "Ngôi sao Việt Nam”, viên ruby lớn nhất nước có trọng lượng 2.160 gram, hiện được giữ làm bảo vật quốc gia.

Từ TP. Yên Bái đi về phía Đông Bắc khoảng 80km là Lục Yên, “vùng đất ngọc” với các mỏ đá quý nằm trên dãy núi Nước Ngập (thuộc xã An Phú). Đá quý Lục Yên có độ cứng, màu sắc được đánh giá cao trên thị trường và người “đất ngọc” tự hào là nơi tìm thấy "Ngôi sao Việt Nam”, viên ruby lớn nhất nước có trọng lượng 2.160 gram, hiện được giữ làm bảo vật quốc gia.

Có trữ lượng lớn về đá quý, Lục Yên từ lâu nổi tiếng là đầu mối giao thương, trao đổi đá quý "liên quốc gia". Với một chợ đá quý họp ngay thị trấn Yên Thế, những viên đá quý được bày bán ở Lục Yên với vẻ đẹp tự nhiên phần nào thỏa mãn sự tò mò của các vị khách du lịch nước ngoài tìm đến đây.

Được hình thành từ nhu cầu buôn bán đá quý vào những năm đầu thập niên 90, chợ đá Lục Yên tuy có kém phần náo nhiệt so với trước nhưng vẫn là một điểm đến dành cho những du khách muốn tìm đến nét văn hoá đặc thù của một vùng giàu có khoáng sản.

Chọn mua những viên đá quý ở phiên chợ, Mireill Grawd, một nhà sưu tập đá quý ở Paris (Pháp) đã không giấu nổi phấn khích chia sẻ với tôi rằng: “Những viên ruby lung linh, huyền ảo trong các tiệm trang sức ở Pháp đã dẫn tôi tới đây, tận mắt nhìn thấy khởi nguồn của sự hình thành sản phẩm đá quý bày bán ở kinh đô thời trang”.

Mireill Grawd là một trong số 68 vị khách hôm đó, những thành viên của Hiệp hội Đá quý Pháp tìm đến miền "rừng xanh, núi đỏ" Lục Yên. Đây có lẽ là tour lần đầu tiên lên "thủ phủ" đá quý Lục Yên của một đoàn du khách Pháp và tôi may mắn đi cùng họ. Ba chiếc trực thăng MIA 17 và MIA 18 của Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam hôm đó đưa 68 vị khách du lịch người Pháp bay hơn 300km từ Hà Nội đáp xuống sân vận động thị trấn Yên Thế.

Trực thăng đưa những du khách Pháp hạ cánh xuống “đất ngọc” Lục Yên.
Rời trực thăng, các vị khách du lịch đặc biệt thuộc Hiệp hội Đá quý Pháp bắt đầu một ngày khám phá đất ngọc Lục Yên.

Rời trực thăng, các vị khách du lịch đặc biệt thuộc Hiệp hội Đá quý Pháp tiếp tục lên 13 chiếc U Oát, chinh phục 20km đầu tiên trên những con đường đá ngang qua bản làng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao để đến vùng khai thác đá quý ở xã An Phú. Năm cây số tiếp theo, những chiếc xe máy Minsk quen thuộc của các chàng trai sơn cước chở các ông tây, bà đầm đi tiếp hành trình khám phá vùng cao giàu khoáng sản.

Những chiếc xe U Oát chinh phục những cung đường nơi "rừng xanh, núi đỏ" Lục Yên để đến vùng khai thác đá quý tại xã An Phú.

Để lên các mỏ khai thác đá quý trên núi, cách duy nhất là đi bộ. Thời gian leo núi cả đi lẫn về khoảng hai giờ đồng hồ với nhiều địa hình khác nhau, phù hợp cho một tour trekking. Dọc đường, một vài vị khách nhặt những viên đá nhiều màu, được rửa sạch bên những dòng suối cho vào túi làm kỷ niệm.

Băng qua những mảng đồi lau lách, cuối cùng 68 vị khách cũng đặt chân lên mỏ đá… Đã có thời, cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân ở đây lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Bây giờ, máy móc hiện đại đào sâu vào lòng núi, đưa đất đá lên đãi trong bồn gỗ, nếu được saphia, ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, màu chuẩn, không rạn) thì bán kiếm vài trăm triệu; gặp đá màu, trong đó có cả ruby, saphia cấp thấp, vỡ rạn, nhỏ hạt… là nguyên liệu làm tranh đá quý.

Chỉ với chiếc choòng sắt, những người thợ khai thác đá quý gõ vào từng mảng thạch anh trắng văng ra những viên đá quý.

Tiếng choòng sắt đều đều gõ vào từng mảng thạch anh trắng, từng hạt cát, đá văng ra mặt đất. Long, thợ đá người dân tộc Dao nhẹ nhàng nhặt từng viên đá quý bỏ vào túi vải đeo bên mình. Trong vài tiếng đồng hồ làm việc, anh đã tìm được một số đá quý. Nhiều du khách nước ngoài chờ mua sản phẩm của Long đã rất vui vì được quay phim, chụp ảnh công việc của người thợ đá.

Kết thúc một ngày khám phá đất ngọc Lục Yên, các vị khách lên trực thăng về Hà Nội. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau khi mang theo một viên đá quý dù phải mua của những người thợ đá hay lượm được trên đường đi thì nó vẫn là món quà “lộc giời” có được từ Lục Yên.

Những viên đá quý được bày bán ở chợ đá Lục Yên với vẻ đẹp tự nhiên.
Đá quý cũng được bày theo từng chủng loại trên mặt bàn...
Người buôn bán đá quý đến chợ chỉ mang theo một chiếc bàn nhỏ, ghế là đủ cho một “sạp hàng”. Đá quý được bày trên mặt bàn đủ màu sắc: đen, hồng, đỏ, xanh đen, xanh saphia…
Mới nhìn những viên đá này ai cũng nghĩ đây là những viên đá quý, được nhuộm màu. Thực tế đó hoàn toàn là màu tự nhiên của đá. Đá quý bán trong chợ tuy chỉ là loại non tuổi nhưng màu sắc rất phong phú, được sử dụng để làm tranh đá.
Khi soi đèn, đá có độ khúc xạ ánh sáng mạnh, có hình sao, trong, không có vết rạn là đá chất lượng tốt. Đá có giá cao nhất là loại đá có màu đỏ, được cẩn mặt nhẫn như trong ảnh.


Bạn đang đọc bài viết Tìm “ngọc” nơi "rừng xanh, núi đỏ" Lục Yên tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục