Trải nghiệm

Kỳ II: Ghé Tam Giang thưởng ngoạn một vùng “cá nước chim trời” nơi đầm phá

Trải nghiệm - 06:30, 28/03/2020 G3T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Trong hành trình lãng du trên đất Cố đô, người bạn đồng hành cũng là dân Huế gốc nói với tôi rằng, đến Huế mà chưa ghé Tam Giang thì cuộc viếng thăm không trọn vẹn...

Tự thân Tam Giang là cái tên đã mang nghĩa hợp lưu của ba con sông lớn xứ Huế là Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương, trước khi chảy vào biển Đông. Nổi tiếng là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Tam Giang là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, trải dài cả mấy chục ki-lô-mét.

Trong hành trình lãng du trên đất Cố đô, người bạn đồng hành cũng là dân Huế gốc nói với tôi rằng, đến Huế mà chưa ghé Tam Giang thì cuộc viếng thăm không trọn vẹn. Không chỉ lữ khách, những người dân Huế như bạn tôi cũng thường rủ nhau xuôi về Tam Giang, tận hưởng sự bình yên, thưởng thức tôm, cá, mực tươi rói đánh bắt nơi đầm phá.

Phá Tam Giang, một vùng trời nước mênh mông, nơi con người trở nên nhỏ bé trước sự rộng lớn của đất trời.
Cành phan lặng lẽ bay nơi miếu thủy thần trong bóng chiều nhá nhem trên bờ phá Tam Giang. Một hình ảnh gợi nhớ những câu chuyện thấm đẫm sắc màu huyền thoại của một vùng đầm phá và cũng là mốc đánh dấu vùng đầm của mỗi hộ ngư dân.

Phá Tam Giang hào phóng ban tặng cho người dân trong vùng nhiều sản vật ngon và quý. Quanh năm suốt tháng, dân chài nơi đầm phá đánh bắt khoảng 23 loài cá “đặc sản” như cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn... Đặc biệt, phá Tam Giang có loại cá dìa hay còn gọi là cá nâu (tảo ngư), sống nhiều trong tự nhiên ở vùng nước mặn ngọt giao thoa. Cá dìa có nhiều loại, nhưng chỉ phá Tam Giang mới có loài cá dìa bông, thân điểm xuyết những chấm màu nâu đen, là loài cá quý hiếm. Thức ăn của cá dìa là các loài thực vật thủy sinh như tảo, rau câu phá Tam Giang nên ruột cá rất sạch. Theo các lão ngư vùng này thì đây là loài “cá thuốc Bắc” bởi bộ lòng khi chế biến chính là vị thuốc, có tác dụng an thần, chữa bệnh mất ngủ và giảm stress.

Lưới nhuộm bằng vỏ cây dương được ngư dân bản địa xã Quảng Công, huyện Quảng Điền sử dụng đánh bắt các loài cá, tôm trên phá Tam Giang.
Khi nước rút dần theo thủy triều, những phụ nữ "chân yếu tay mềm" lại bước vào một ngày "lặn lội thân cò" trên vùng sóng nước Tam Giang mưu sinh. Họ dầm mình trong nước lợ để dậm bắt trìa (ngao nước lợ) bán cho các nhà hàng hải sản.

Thú vị nhất là lên một chuyến đò gỗ, lênh đênh giữa thiên nhiên kỳ thú của Tam Giang. Anh Hồ Ngọc Minh, một ngư dân ngay bến đò Cồn Tộc đã giúp chúng tôi thỏa “một chuyến lênh đênh” hôm đó bằng chính con đò chở khách của mình. Điệu nghệ “lách” đò qua hàng loạt nò sáo ken dày trên mặt nước, anh Minh khiến chúng tôi liên tưởng đi giữa vùng nò sáo thực giống trận đồ của anh em nhà Nguyễn Thị Tam Hùng ở vùng Lương Sơn. Một khi không quen, khó tìm được lối ra vào trên vùng sóng, nước.

Cũng trên chiếc đò bữa đó, anh Minh hướng dẫn chúng tôi giăng lưới, thả lừ và trong lúc chờ tôm, cua, cá, ghẹ… mắc bẫy, nhâm nhi lon Huda, bia riêng xứ Huế. Vài tiếng sau, cả một trời hải sản tươi sống đủ loại đã được bắt lên, nướng ngay nơi chúng sinh sống, một vùng mênh mang trời nước. Quả là một trải nghiệm thú vị khó quên, của một chuyến Tam Giang.

Con đò nhỏ chính là phương tiện di chuyển chủ yếu của cư dân vùng phá Tam Giang. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và thường bắt đầu công việc từ 18h tối cho đến 6h sáng ngày hôm sau.
Khoang thuyền chật hẹp giữa bốn bề bao la khoáng đãng của trời nước Tam Giang là cuộc sống của gia đình anh thuyền chài Tần Khanh. Muốn trải nghiệm một cảm giác bồng bềnh trên sóng nước, nhất định không nên bỏ qua những buổi cuối chiều nơi khoang thuyền chài như gia đình anh Tần Khanh trong ảnh.
Tam Giang tuy là vùng đất dữ nhưng lại cũng được thiên nhiên hào phóng ban cho nhiều sản vật ngon và quý mà cá bống thệ trong ảnh là một trong những đặc sản.
Ngay bến đò Cồn Tộc là khu chợ họp khi chiều xuống. Đó là thời điểm mà các ghe thuyền đánh bắt hải sản trở về mang theo tôm, cá, mực chuyển đi các chợ khác quanh vùng.
Ghé Tam Giang là cơ hội thưởng thức 5 loại cá nổi tiếng của địa danh này bao gồm: cá mú, cá nâu, cá ong, cá dìa, cá kình…, khiến bạn “ăn một lần nhớ một đời”.
Chợ cá Quảng Lợi, nơi thu gom các loại sản vật đánh bắt được từ phá Tam Giang.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ II: Ghé Tam Giang thưởng ngoạn một vùng “cá nước chim trời” nơi đầm phá tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục