Tự thân Tam Giang là cái tên đã mang nghĩa hợp lưu của ba con sông lớn xứ Huế là Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương, trước khi chảy vào biển Đông. Nổi tiếng là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Tam Giang là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, trải dài cả mấy chục ki-lô-mét.
Trong hành trình lãng du trên đất Cố đô, người bạn đồng hành cũng là dân Huế gốc nói với tôi rằng, đến Huế mà chưa ghé Tam Giang thì cuộc viếng thăm không trọn vẹn. Không chỉ lữ khách, những người dân Huế như bạn tôi cũng thường rủ nhau xuôi về Tam Giang, tận hưởng sự bình yên, thưởng thức tôm, cá, mực tươi rói đánh bắt nơi đầm phá.
Phá Tam Giang hào phóng ban tặng cho người dân trong vùng nhiều sản vật ngon và quý. Quanh năm suốt tháng, dân chài nơi đầm phá đánh bắt khoảng 23 loài cá “đặc sản” như cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn... Đặc biệt, phá Tam Giang có loại cá dìa hay còn gọi là cá nâu (tảo ngư), sống nhiều trong tự nhiên ở vùng nước mặn ngọt giao thoa. Cá dìa có nhiều loại, nhưng chỉ phá Tam Giang mới có loài cá dìa bông, thân điểm xuyết những chấm màu nâu đen, là loài cá quý hiếm. Thức ăn của cá dìa là các loài thực vật thủy sinh như tảo, rau câu phá Tam Giang nên ruột cá rất sạch. Theo các lão ngư vùng này thì đây là loài “cá thuốc Bắc” bởi bộ lòng khi chế biến chính là vị thuốc, có tác dụng an thần, chữa bệnh mất ngủ và giảm stress.
Thú vị nhất là lên một chuyến đò gỗ, lênh đênh giữa thiên nhiên kỳ thú của Tam Giang. Anh Hồ Ngọc Minh, một ngư dân ngay bến đò Cồn Tộc đã giúp chúng tôi thỏa “một chuyến lênh đênh” hôm đó bằng chính con đò chở khách của mình. Điệu nghệ “lách” đò qua hàng loạt nò sáo ken dày trên mặt nước, anh Minh khiến chúng tôi liên tưởng đi giữa vùng nò sáo thực giống trận đồ của anh em nhà Nguyễn Thị Tam Hùng ở vùng Lương Sơn. Một khi không quen, khó tìm được lối ra vào trên vùng sóng, nước.
Cũng trên chiếc đò bữa đó, anh Minh hướng dẫn chúng tôi giăng lưới, thả lừ và trong lúc chờ tôm, cua, cá, ghẹ… mắc bẫy, nhâm nhi lon Huda, bia riêng xứ Huế. Vài tiếng sau, cả một trời hải sản tươi sống đủ loại đã được bắt lên, nướng ngay nơi chúng sinh sống, một vùng mênh mang trời nước. Quả là một trải nghiệm thú vị khó quên, của một chuyến Tam Giang.