Đặc biệt, khi bộ phim “Cát đỏ” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh lên sóng VTV3 từ 30/7, vẻ đẹp Ninh Thuận thêm một lần bừng sáng với những khuôn hình tuyệt đẹp. Tất nhiên, bối cảnh chân thực ấy không thể thiếu những tiếng be be gọi bầy của cừu, nơi khách đường xa mong một lần ghé thăm.
Như kỳ trước đã viết về hoang mạc, những cồn cát quanh năm nắng cháy hay xương rồng, Ninh Thuận càng trở nên thú vị khi ông chủ trang trại nho Ba Mọi chia sẻ câu chuyện của mình về nơi nuôi cừu duy nhất ở Việt Nam. Bữa đó, ông Ba Mọi khi nói về những cây nho mang về trồng trên vùng đất hạn đã “tạt” ngang với tôi câu chuyện phát tích của nghề nuôi cừu.
Đó là những năm người Pháp đặt chân đến xứ Ninh Thuận quê ông. Có rất nhiều người lính gốc Ấn trong quân đoàn viễn chinh ngày ấy, vốn theo tôn giáo với những giáo luật cấm ăn thịt heo, bò, dê… Thịt cừu lúc này được coi là giải pháp ổn thoả nhất về thực phẩm cho những người lính này khi đồn trú ở Ninh Thuận. Từ đó, loài gia súc vốn dĩ không phải bản địa này được nuôi ở đây đến tận ngày nay.
Sau ly vang nho bác Ba mời bữa đó, tôi ra ngay đồng cừu An Hòa khi chiều đã chạng vạng, thời điểm rộn ràng của tiếng “be be” cùng những làn bụi nhỏ cuốn lên khi cừu về trại. Cách trung tâm TP. Phan Rang khoảng 15km, đồng cừu An Hòa là điểm check-in ấn tượng với cộng đồng du lịch khi đến Ninh Thuận bởi vẻ đẹp gần gũi, dung dị.
Tên gọi An Hòa của đồng cừu là tên thôn người Chăm, nơi đa số người dân sinh sống với nghề nuôi cừu. Số lượng cừu ở mỗi trại nuôi tại đây rất lớn, như trại của ông Trần Cao Hòa, nơi tôi thực hiện phóng sự có số lượng cừu lên đến hơn 1.000 con. Cả không gian rộng lớn, bốn phía là những rặng núi bao quanh, thảm thực vật đặc trưng vùng khí hậu nhiệt đới khiến An Hòa phù hợp với việc chăn thả tự do các đàn cừu lớn.
Như nhiều lãng khách đến An Hòa, dừng bấm máy nhìn những chú cừu thủng thẳng gặm những trảng cỏ sót lại sau những ngày hạn, bỗng thấy cuộc sống chậm lại đến nhiều nhịp, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp như thảo nguyên Mông Cổ xa xôi hiện hữu nơi đây.