Trải nghiệm

Nghề biển trên những chiếc bè

Trải nghiệm - 06:30, 11/07/2020 G7T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Chỉ cách TP. Thanh Hóa gần 20km, Sầm Sơn thu hút du khách khám phá những chiếc bè nhỏ hình trăng khuyết (ngư dân gọi là mảng) ra khơi mỗi khi chiều buông và trở về vào sáng sớm hôm sau với nhiều loại hải sản tươi ngon.

Trong cuốn sách “Hành trình băng ngang Thái Bình Dương bằng tre luồng”, nhà thám hiểm người Ireland - Tim Severin đã kể về sự bền bỉ, dẻo dai của bè mảng Sầm Sơn cũng như loại tre, luồng Việt Nam suốt hải trình 6 tháng trời vượt gần 9.000km từ Sầm Sơn, qua Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, băng ngang Thái Bình Dương đến vùng biển San Francisco miền Tây nước Mỹ vào năm 1993.

Hơn 20 năm sau chuyến đi của Tim, những chiếc bè nhỏ hình trăng khuyết làm từ cây tre, cây luồng vẫn là loại ngư cụ có mặt ở các làng chài ven biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 làng Trung Sơn và Quảng Cư, với hơn 100 chiếc, giúp ngư dân nơi đây đánh bắt các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực… ngang dọc khắp biển Đông.

Những chiếc bè mảng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển được kéo lên bờ tránh sóng xô, nước cuốn.
Mỗi chuyến bè ra khơi thường có từ 2 đến 3 người chèo lái cùng với các ngư cụ lưới chài để đánh bắt hải sản. Trong ảnh là những ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trên bè mảng của mình chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Khoảng 5h đến 7h sáng, chợ cá đã tấp nập bè mảng đánh bắt cập bến với nhiều loại hải sản tươi ngon bán cho du khách và thương lái.

Sở dĩ, bè mảng Sầm Sơn được ví như vầng trăng khuyết bởi dáng cong cong, tạo nên bởi sự giãn nở của nhiệt khi phần đầu của cây luồng được hơ nóng và uốn cong. Một chiếc bè thường được kết lại từ khoảng 20 cây luồng với các vật liệu nổi khác như xốp hay gỗ, có chi phí khoảng gần 100 triệu đồng. Tre, luồng chọn làm bè mảng thường là những cây to, dài mua ở các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa như Ngọc Lạc, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa… Cây luồng được kết lại với nhau thành một khối từ ba đến bốn cái “ngàng” phân đều, nằm ngang từ đầu đến cuối cây luồng, sau đó dùng dây mây hoặc dây song kết buộc thật chặt.

Tuy kết cấu chiếc bè mảng trông đơn sơ là thế nhưng có độ an toàn rất cao đối với người dân đi biển. Khi gặp sóng to gió lớn, bè mảng khó bị lật vì nó cong và mỏng nên rất dễ nương theo con sóng, rất khó chìm. Thường thì các chủ bè chỉ hoạt động cách bờ khoảng 20 hải lý và đi về trong ngày. Nhưng cũng có thời điểm từ tháng Chạp đến tháng Hai, ngư dân Sầm Sơn giong bè cả tuần trên biển, sang tận Cô Tô, Bạch Long Vỹ… đánh bắt sứa.

Với lợi thế của bè mảng truyền thống, Sầm Sơn sẽ còn hấp dẫn du khách hơn nếu phục vụ tham quan hoặc mở những tour du lịch “phượt” dọc bờ biển bằng chính những chiếc bè mảng của ngư dân nơi đây.

Bữa sáng từ những con ghẹ hấp của một ngư dân ngay khi chiếc bè mảng của mình cập bờ.
Một góc bãi neo đậu thuyền bè của ngư dân xóm chài sau ngày ra biển.
Tươi roi rói bề bề (tôm tít) gỡ ra từ mẻ lưới đánh bắt trên biển sau các chuyến bè mảng…
…và lên mẹt theo những người phụ nữ chạy chợ sớm trên biển bán cho các nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn.
Mực tươi vừa mang lên từ bè câu đêm còn nhấp nháy lân tinh.
Moi hay còn gọi là tép biển sống chủ yếu ở các vùng biển ven bờ nên mỗi chuyến bè mảng ra khơi, ngư dân đánh bắt được với số lượng vô cùng lớn. Đây chính là nguyên liệu chính làm nước mắm, một trong những đặc sản Sầm Sơn được du khách gần xa yêu thích.
Những chiếc bè mảng đơn sơ rất đỗi quen thuộc và gắn bó thân thiết với ngư dân Sầm Sơn lại là sự tò mò đối với du khách khi đến thăm vùng biển này.


Bạn đang đọc bài viết Nghề biển trên những chiếc bè tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục