Trải nghiệm

Kỳ I: Vân Đồn - đất Rồng phía Đông Bắc của Tổ quốc

Trải nghiệm - 06:30, 06/06/2020 G6T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Ngoài những giá trị lịch sử của một vùng thương cảng sầm uất xưa, sự ưu ái của thiên nhiên còn mang đến cho Vân Đồn một thương hiệu về du lịch biển đảo cao cấp với những hòn đảo đẹp như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng...

LTS:

Vân Đồn (Quảng Ninh) cùng với Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) được Trung ương xác định là 3 khu kinh tế trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc – Trung – Nam của đất nước. Được ví là “vùng đất Rồng” bởi gắn liền với truyền thuyết rồng mẹ đáp xuống (Hạ Long) và đàn rồng con về chầu mẹ (Bái Tử Long), Vân Đồn đang có những chuyển động gấp gáp trước khi trở thành khu kinh tế đặc biệt trong tương lai. Photo Travel tháng 6 sẽ đồng hành cùng độc giả khám phá Vân Đồn, thương cảng lớn “bậc nhất trời Nam” với những nét văn hoá đặc trưng của một vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam.

800 năm trước, khi vua Lý Anh Tông chọn Vân Đồn để xây dựng thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt ở thế kỷ 12, nơi đây đã trở thành trung tâm giao thương với các nước trong khu vực. Ngoài những giá trị lịch sử của một vùng thương cảng sầm uất xưa, sự ưu ái của thiên nhiên còn mang đến cho Vân Đồn một thương hiệu về du lịch biển đảo cao cấp với những hòn đảo đẹp như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng...

Cầu cảng Cái Rồng (trung tâm của huyện đảo) lúc nào cũng tấp nập, đông đúc giao thương và là nơi trung chuyển các chuyến giao thông biển, phục vụ việc đi lại của người dân và khách du lịch. Mất chừng 45 phút "lướt sóng" với tàu cao tốc trên mặt nước vịnh Bái Tử Long, tôi đã có mặt ở xã đảo Quan Lạn, nơi các bãi biển hoang sơ cát trắng đã trở thành thương hiệu với du khách đến huyện đảo Vân Đồn.

Bến Cái Làng trên xã đảo Quan Lạn là bến đầu tiên của thương cảng Vân Đồn xưa, nơi vẫn còn lưu lại nhiều mảnh sành sứ, dấu tích của thương cảng cổ.
Vân Đồn là một trong những huyện có nhiều đảo nhất tỉnh Quảng Ninh với 600 hòn đảo và những địa danh gắn liền với truyền thuyết về Rồng như thị trấn Cái Rồng, cảng Cái Rồng...
… cầu cảng Cái Rồng ở trung tâm huyện đảo là cảng trung chuyển quan trọng của Vân Đồn.

Nằm ngay cạnh vịnh Hạ Long danh tiếng, huyện đảo Vân Đồn với khoảng 600 hòn đảo lớn nhỏ nổi bật như một bức tranh tự nhiên của trời xanh, biển rộng và núi cao. Trải nghiệm lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long để lại ấn tượng khó quên bởi khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng hơn nhiều so với vịnh Hạ Long. Thêm nữa, nếu muốn bạn còn có thể ngang qua nhiều điểm đến như các làng chài nổi trên biển, đảo Ba Mùn, đảo Trà Ngọ Lớn...

Đặc biệt, được thiên nhiêu ưu ái với nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại, nên nghề nuôi trai lấy ngọc phát triển mạnh với các trại lớn trên mặt nước Bái Tử Long. Sản phẩm ngọc trai Vân Đồn được đánh giá là có độ thuần khiết cao và màu sắc sang trọng không hề thua kém bất cứ loài ngọc trai nào trên thế giới. Thay vì chọn các điểm đến trên bờ, được trại nuôi trai cho phép, tôi đã thử công việc tách ngọc và chọn cho mình cảm giác lênh đênh qua đêm trên những chiếc thuyền gỗ của họ để hoàn toàn đắm mình vào không gian ban sơ, tự nhiên của biển trời Việt Nam.

Nguồn lợi từ hàng ngàn héc-ta mặt nước đã giúp Vân Đồn phát triển kinh tế biển với nghề nuôi trồng thủy hải sản như hàu, trai lấy ngọc...
Nghề nuôi trai ngọc được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tạo việc làm cho nhiều nữ lao động trẻ ở huyện đảo Vân Đồn.
Sản phẩm ngọc trai Vân Đồn được đánh giá có độ thuần khiết cao và màu sắc sang trọng không hề thua kém bất cứ loài ngọc trai nào trên thế giới.

So với những vùng biển khác, Vân Đồn đặc thù hơn bởi sở hữu địa hình có cả biển, cả rừng cùng các đảo đất đan xen giữa những dãy núi đá… rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghĩ dưỡng chất lượng cao. Cả 5 xã đảo của Vân Đồn đều đã có cầu cảng và các tuyến đường giao thông liên xã, trong đó Quan Lạn là xã đảo hiện có nhiều khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đón khách. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp này đều nằm ven bờ biển đảo Quan Lạn, nơi có những dải cát thủy tinh dài tới 3km cùng hệ thống nhà sàn bằng gỗ, mây, tre khang trang đẹp đẽ mà đầy đủ tiện nghi, thân thiện với môi trường… Tất cả đều nằm ẩn khuất trong rừng phi lao bốn mùa xanh mướt và hướng ra biển để đón gió đại dương trong lành.

Sự ưu ái của thiên nhiên và những “đòn bẩy” hiện có của Vân Đồn khiến tôi cũng như bất kỳ ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này đều tin tưởng về một tương lai “hóa rồng” ở vùng đất phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc./.

Biển Vân Đồn có 5 bãi cát trắng mịn với làn nước trong xanh, tạo nên những bãi tắm đẹp và hoang sơ như bãi Dài, Quan Lạn, Minh Châu, Sơn Hào, Ngọc Vừng…
Gia đình du khách David Stewart (Tây Ban Nha) trên bãi biển Minh Châu, một trong những điểm đến cho kỳ nghỉ hè của họ tại Việt Nam.
Trên lớp lá phi lao dày tựa tấm thảm nhung khổng lồ dưới mặt đất, còn gì thú vị hơn khi nằm đung đưa trên chiếc võng mắc giữa hai thân cây cổ thụ và ngắm biển như chị Clemenge Graffin (du khách Pháp) ở một resort trên đảo Quan Lạn.
Ven theo đồi cát là bãi biển Minh Châu, một trong những bãi biển “hoang sơ và đẹp mê hồn”, theo cảm nhận của những du khách đã từng đặt chân đến đây.
Tại các resort ở Quan Lạn, đi xe đạp qua những xóm nhỏ, rừng phi lao cổ thụ và những cồn cát trắng nhiều hoa dại là những trải nghiệm vô cùng thú vị.


Bạn đang đọc bài viết Kỳ I: Vân Đồn - đất Rồng phía Đông Bắc của Tổ quốc tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục