Lọt thỏm giữa chốn thiền môn là sân bóng, nơi những người xuất gia ở chùa Từ Hiếu chọn cho mình môn thể thao "vua" để luyện rèn sức khỏe.
Vốn là một ngôi cổ tự xây dựng hơn 160 năm trước dưới thời nhà Nguyễn, chùa Từ Hiếu tọa lạc trên núi Dương Xuân (xã Thủy Xuân, TP. Huế) là nơi khởi phát của nhiều vị chân tu nổi tiếng, trong có có thiền sư Nhất Hạnh.
Ban đầu, chùa chỉ là một Thảo Am với tên gọi là An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên. Năm 1848, sau khi Hòa thượng viên tịch, các vị thái giám và cung giám đã tổ chức tái thiết và mở rộng ngôi chùa, sau đó được vua Tự Đức ban tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”. Đây cũng là ngôi chùa gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo của người con với mẹ già và là ngôi chùa độc nhất, là nơi an nghỉ của các quan thái giám, dưới triều nhà Nguyễn.
Từ lâu, môn thể thao “vua” là bóng đá đã được các môn đệ nhà Phật ở chùa Từ Hiếu chọn để luyện rèn thân thể. Từ 16 giờ, khi ánh mặt trời dần buông trên đỉnh núi Dương Xuân, khuôn viên chùa Từ hiếu trở nên sôi nổi bởi các trận bóng.
Đông đảo các sư nam, sư nữ, phật tử và du khách cùng cổ vũ nồng nhiệt cho các cầu thủ. Thường chỉ các “tuyển thủ” nhà chùa đá với nhau, nhưng cũng có khi họ đá giao hữu với đội bóng của thanh niên các thôn xung quanh.
Những trận túc cầu trên sân chùa cứ sôi nổi mỗi ngày và dường như chẳng mấy ai quan tâm lắm đến chuyện thắng thua. Tất cả các trận đấu ấy đều lấy tinh thần giao hữu và rèn luyện tinh thần, thân thể là chính cùng đặt hai chữ hữu hảo của nhà Phật lên hàng đầu.