Trải nghiệm

Đi giữa chiến trường xưa

Trải nghiệm - 06:30, 02/05/2020 G5T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Lên Điện Biên một lần, đặc biệt trong những ngày tháng 5 lịch sử để tự hào về cuộc thư hùng bi tráng của cả dân tộc 66 năm trước...

Ở nơi được ví như "đệ nhất tài nguyên du lịch lịch sử" này, trên mỗi bước chân đều như sống lại không khí linh thiêng giữa chiến trường xưa.

Hiếm có nơi nào như Điện Biên, nơi mà mỗi tấc đất, quả đồi, ngọn núi đều mang một dấu ấn linh thiêng, ghi lại một chiến công lịch sử. Bản thân TP. Điện Biên Phủ như một bảo tàng khổng lồ với hàng loạt những chứng tích lịch sử như đồi A1, C1, D1, E1, Độc Lập, Him Lam… cùng hệ thống phòng ngự dày đặc của người Pháp mà điểm nhấn là hầm cố thủ của tướng De Castries.

 Trên đồi A1, vẫn còn đó hệ thống giao thông hào chằng chịt và hố bộc phá do các chiến sỹ Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Diệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ vào 20h30 ngày 6/5/1954…
 … sau này, một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc của Việt Minh là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.

66 năm trước, các thế hệ cha anh đã cùng đồng đội của mình sát cánh bên nhau trong chiến dịch đồi A1, trận đánh quan trọng, nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, mở màn cho giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồi A1 giờ là nghĩa trang liệt sỹ, nơi thờ phụng anh linh của những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang Liệt sỹ A1, nơi yên nghỉ của 644 liệt sỹ anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ảnh là gốc hoa ban cổ thụ phủ bóng lên Đài tưởng niệm Khu nghĩa trang Liệt sỹ A1.

Rải rác trên cánh đồng Mường Thanh là những phế tích chiến tranh, vài mâm pháo, cánh động cơ máy bay... Cách đó không xa, căn hầm chỉ huy của tướng De Castries cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ giờ vẫn y nguyên như nó vốn có giữa trung tâm lòng chảo Điện Biên…

 Chiếc xe tăng Bazeille bị Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 hạ gục vào sáng 1/4/1954 trên đồi A1, nơi diễn ra các trận đánh mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ 66 năm trước.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, chiến trường Ðiện Biên xưa giờ đã “thay da đổi thịt”. Không chỉ những di tích lịch sử nổi tiếng, ở Điện Biên còn cả một không gian văn hóa đặc sắc của bà con các dân tộc với nhiều bản làng làm du lịch cộng đồng như Phiêng Lơi, Mển, Ten, Pa Thơm…

66 năm sau chiến tranh, Điện Biên Phủ từ một chiến trường đổ nát giờ là các bản làng trù phú, đô thị hiện đại nhìn từ ô cửa chuyến bay Hà Nội - Điện Biên.

Buổi tối ở đây, bên ánh lửa bập bùng, cả khách và chủ cùng hòa vào vòng xòe thân thiện, tay trong tay ngây ngất với men rượu nồng do chính bàn tay mềm mại của các thiếu nữ rót mời. Đó là những ấn tượng không dễ quên với bất kỳ du khách nào khi lên với Điện Biên.

Cách hầm Đờ Cát khoảng 200m, có một khu tưởng niệm lính Pháp tử trận tại chiến trường Điện Biên Phủ, nơi người dân quen gọi là "mộ tây"…
… với nhiều tấm bia, mang biểu tượng của các lực lượng quân đội, các hội cựu chiến binh Pháp - lính lê dương và những người thân từ Pháp sang, viếng thăm, đặt dưới chân Đài tưởng niệm. Mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng nghìn cựu chiến binh cũng như du khách nhí đã trở lại chiến trường năm xưa để cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng.
Là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách khi đến Điện Biên, cầu sắt Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm từng là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Đây là cây cầu dã chiến được sản xuất tại Pháp và mang sang lắp ghép tại Điện Biên.
Bức phù điêu khắc họa viên tướng bại trận De Castries tại Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (khu hầm tướng De Castries) 66 năm sau…
… trong hầm vẫn giữ nguyên những tấm ghi lót nóc hầm của người Pháp và chiếc bàn sắt, nơi làm việc của tướng Đờ Cát.
Cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ chừng 7km về phía Bắc, bản văn hóa Phiêng Lơi là điểm đến của những du khách muốn có một chuyến “home stay” tham quan…
… nơi có những ngôi nhà sàn còn tương đối nguyên bản của bà con dân tộc Thái. Tại đây, du khách có cơ hội thưởng thức những món ẩm thực, đặc biệt là món cá nướng (Pa Pỉnh Tộp, nghĩa là cá gập nướng)...
… hay thịt trâu gác bếp, một ngày “home stay” cùng một gia đình người Thái thì không nên lỡ dịp thưởng thức món đặc sản này. 


Bạn đang đọc bài viết Đi giữa chiến trường xưa tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục