Trải nghiệm

Kỳ III: Khảm sành Huế - Lộng lẫy sắc màu từ nhân gian đến cung đình

Trải nghiệm - 06:36, 04/04/2020 G4T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Có xuất xứ từ các trang trí đời thường trong nhân gian, khảm sành sứ đã đi vào nghệ thuật cung đình Huế với hàng loạt công trình như cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức… và độc đáo nhất là ở lăng Khải Định.

Các vật liệu cứng như sành, sứ, thủy tinh đã được các nghệ nhân xứ Huế khéo léo tạo hình, phối màu hợp lý trở nên mềm mại, óng ả trên các công trình này.

Mô tả Phú Xuân đầu thế kỷ XVIII, sách Phủ Biên Tạp Lục do nhà bác học Lê Quý Đôn chủ biên đã viết: “…Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng… Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”. Còn ngoài dân gian, những người thợ Huế từ lâu đã dùng những mảnh sành, sứ hay gốm để trang trí các công trình, trước khi nghệ thuật này được đưa vào các nghệ thuật cung đình của nhà Nguyễn.

Phù điêu “Cửu Long Ẩn Vân” (chín con rồng ẩn trong mây) trên nóc bửu tán cung Thiên Định, trong lăng Khải Định được các nghệ nhân tài ba ghép từ sành sứ và đá hiếm.

Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được coi là đỉnh cao của khảm sành sứ xứ Huế khi phần lớn các công trình kiến trúc giai đoạn này đều được khảm các chất liệu như vậy. Tiêu biểu nhất là nghệ thuật khảm sành ở lăng Khải Định, nơi được đánh giá là đỉnh cao với phần nội thất trong cung Thiên Định. Ở đây, các nghệ nhân xứ Huế đã trang trí với mật độ dày đặc sành sứ và thủy tinh màu.

Chính tẩm và ngự tẩm trong lăng là nơi đặt tượng đồng vua Khải Định trên bệ rồng, phía dưới là huyền cung tức là nơi chôn thi hài nhà vua. Pho tượng đồng của nhà vua đặt trên áng thờ theo tỉ lệ 1:1, đúc tại Pháp và dát vàng bởi những nghệ nhân Huế. Chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng ở chính tẩm được trang trí khảm sành, sứ với những đường lượn mềm mại, khiến người xem có cảm giác nó có thể xao động trước gió. Ít ai biết rằng, nó là một khối bê tông cốt thép nặng gần 1 tấn.

Tại cung Thiên Định, bức tượng trên áng thờ với tỉ lệ 1:1 được đúc ở Pháp và dát vàng bởi những nghệ nhân Huế. Mộ phần của nhà vua ngay dưới áng thờ và đây là nơi có thiết kế đặc sắc nhất, đặc biệt bức “Cửu Long Ẩn Vân” (chín con rồng ẩn trong mây) được các nghệ nhân tài ba ghép từ sành sứ và đá hiếm nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản.
… Cận cảnh phù điêu rồng trên áng thờ cung Thiên Định bên trong lăng Khải Định.
… Và long án, nơi gắn đồ sứ ngũ sắc trên những đố ngự dụng: gối dựa, khay trà, cơi trầu, hộp thuốc… phía trong là cẩn, khảm long vị. Tất cả đều dung hợp trong các tổ hợp trang trí bằng sự khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân từ những mảnh sứ tốt được nhập cảng từ Trung Hoa, Nhật Bản nhiều màu sắc quý đẹp như màu cam, màu ngọc nổi bật trên các màu xanh đồ kiểu.

Bởi phần lớn các chi tiết đều được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ đã khiến du khách khi đến thăm lăng Khải Định đều phải trầm trồ. Từ các mảnh vỡ, người thợ Huế đã nâng chúng lên thành nghệ thuật khảm sành. Họ đã kỳ công gọt, tỉa các vật liệu khô cứng này thành các họa tiết tỉ mỉ, không bị giới hạn bởi nét tô vẽ hay vôi vữa, tạo nên những tác phẩm có hồn, linh động, lộng lẫy. Như cách trang trí lăng Khải Định, tất cả đều dung hợp trong các tổ hợp sáng tạo của nghệ nhân từ những mảnh sứ với nhiều màu sắc dù được nhập từ Trung Hoa, Nhật Bản…

Việc kết dính mảnh vỡ của sành sứ lại với nhau bằng các chất liệu như vôi hàu, mật mía cũng là một trong những kỹ thuật độc đáo của khảm sành sứ Huế. Cách cẩn, khảm tưởng như tùy hứng ấy thực tế lại được tính toán một cách cẩn trọng, sao cho độ phối màu chuẩn xác nhất. Vậy nên, cũng là rồng, phượng, hoa lá nhưng tuyệt nhiên không một tác phẩm khảm sành sứ nào giống nhau.

Dẫu qua rồi cái thời vàng son nhưng nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, bên cạnh lớp nghệ nhân xưa còn lại, đã có hẳn lớp thợ trẻ tay nghề cao. Việc phục hồi nghề khảm sành sứ với họ không chỉ là chuyện mưu sinh nữa mà còn là cái hồn cốt tinh anh của người Huế. Họ đã góp phần khôi phục lại một số công trình hoang phế trở thành những công trình tuyệt mỹ, từ các mảnh vỡ của đời thường.

Ngoài cung đình, khảm sành sứ vốn được sử dụng để trang trí ở chùa chiền, am miếu và các từ đường với những hàng chữ, cửa sổ chữ thọ, đặc biệt là từ đường các dòng họ. Trong ảnh là các phù điêu khảm sành được những người thợ lắp trang trí ở một ngôi từ đường dòng họ.
Một trong những nơi nổi tiếng xưa nay với những "cầu kỳ, tinh xảo và xa hoa" của nghệ thuật khảm sành sứ Huế trong đời thường là khu từ đường của các dòng họ ở xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền). Đây là nơi nổi bật với hàng vạn chi tiết trang trí được khảm bằng sành, sứ và thủy tinh màu.
Thợ kép thôn Tư Lạc (xã Quảng Ngạn, Quảng Điền) dùng bay lá lúa cân chỉnh từng miếng sành sứ, đặt chúng vào các vị trí thích hợp trên nền phôi vữa tạo nên từ trước.
Hai bức phù điêu với các họa tiết trang trí, chạm trổ công phu sư tử khảm sành sứ chờ lắp đặt trên từ đường dòng họ Nguyễn ở thôn Tư Lạc, huyện Quảng Điền.
Hàng cột cái khảm sành tinh xảo của các ngôi từ đường ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền). Một số ngôi mộ có kiến trúc vô cùng công phu, cao 6m và được chạm khắc rồng đầy màu sắc vào các cột trụ.
Bình phong là một trong những kiến trúc đặc trưng của người dân Cố đô và phổ biến nhất là “Bình phong long mã” (ngựa hóa rồng), hóa thân của kỳ lân. Trong ảnh là các phù điêu long mã khảm sành mang ý nghĩa linh vật báo hiệu điềm tốt lành, biểu tượng của sự thông thái, trường thọ trang trí ở bình phong các ngôi từ đường ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền).


Bạn đang đọc bài viết Kỳ III: Khảm sành Huế - Lộng lẫy sắc màu từ nhân gian đến cung đình tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục