Có ít nhất ba phiên chợ Viềng họp cùng thời gian trên đất thành Nam. Chợ Viềng Vụ Bản hay còn gọi chợ Viềng Phủ vì nằm sát ngay cạnh Phủ Giày thờ bà chúa Liễu Hạnh, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản dành cho những người đi cầu cúng, vay xin lộc đầu năm. Chợ Viềng Lạng lại họp ở xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng. Nếu muốn tìm đến phiên chợ cây trồng, vật nuôi, các vật dụng sản xuất nhà nông, đồ cổ, đồ cũ, thịt bê thì đích thị là chợ Viềng đang nói ở Nam Trực.
Chợ họp khi màn đêm bắt đầu buông xuống và đông dần từ 21h. Dưới ánh nền tù mù các chủ hàng khắp các vùng phụ cận và cả Hà Nội mang về đủ món thượng vàng hạ cám được họ gom trong cả năm chỉ chờ đến hôm nay họp chợ. Các món đồ này được bày la liệt trên những tấm nilon trải trên nền đất thó. Người bán thì nói rằng đồ của mình có từ đời Lý, Trần, Lê... Người mua chăm chú, háo hức soi đèn chọn cho mình thứ “đồ cổ” mà trả vài trăm chủ hàng đã bán. Trong thứ ánh sáng u u, minh minh, chẳng ai có thể biết chính xác món đồ cũ đó có còn dùng được hay đã hỏng hoản toàn nhưng họ hài lòng với thứ đồ đã mua bởi nó sẽ làm vía may cho cuộc sống của mình trong năm.
Cũng vì mong vận đỏ nên chợ Viềng nức tiếng với đặc sản thịt bò. Người ta quan niệm thịt bò mang lại vận son cho cả năm vì có màu đỏ. Sau khi dạo chợ chán chê, mọi người bắt đầu tỏa đi xem người ta cắt tiết, thui bò. Trong đêm mùng bảy, có ít nhất hơn 200 chú bò được hóa kiếp. Ngoài những lò mổ chuyên nghiệp, nhiều nhà chung nhau mấy người cùng ngả một con vừa lấy thịt lại tranh thủ bán. 0h đêm, trong cái thời khắc giao hòa cuả âm dương, trời đất, Viềng phủ một lớp khói rơm thui bò nghi ngút, thơm ngậy và đặc quánh như sương.
Mờ sáng, các sạp thịt bò bắt đầu bày san sát hơn 500m hai bên con đường vào chợ. Khi dòng người bắt đầu đổ về đông kín chợ thì cả con đường gây gây trong mùi thịt bò sống. Người ta bày nguyên trên phản thịt những đầu bê to tướng, nhú lên chiếc sừng con như lời khẳng định hàng bê non ta chính hiệu.
Phiên chợ Viềng giống như một hội chợ phong phú của vùng chiêm trũng giàu sản vật. Hội chợ “đấu xảo” sinh động này diễn ra ngoài trời trưng bày, giới thiệu, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp do chính những người nông dân làm ra. Họ đem đến đây mua bán từ cái cày, cái cuốc đến các vật dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Thu hút đông khách nhất là khu bày bán cây giống hoa quả, bon sai, chậu cảnh.... Trước kia, Tết Nguyên đán thường kéo dài đến ngày mùng bảy sau khi đón ông Công, ông Táo về mới hạ nêu. Sang ngày mùng tám, được coi là bắt đầu ngày lao động của năm mới nên mọi người đều đi chợ Viềng để “cầu may” trong sản xuất. Khi rời chợ, các chị nông dân kiểu gì cũng mua lấy vài cây giống treo toòng teng nơi đầu đòn gánh lấy may cho vụ mùa mới.