Trải nghiệm

Phillip Island: Hòn đảo của thiên nhiên hoang dã

Trải nghiệm - 06:30, 04/01/2020 G1T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Từ thủ phủ Melbourne của bang Victoria, chúng tôi mất chừng 3 tiếng lái xe về phía Đông Nam để tới Phillip Island, hòn đảo duy nhất ở Australia có loài chim cánh cụt nhỏ Little Penguin ngộ nghĩnh.

Với diện tích hơn 1.805ha, công viên thiên nhiên đảo Phillip (Phillip Island Parks Nature, Melbourne, Australia) là nơi có vai trò bảo vệ các loài động vật hoang dã trên đảo bao gồm Trung tâm Bảo tồn Koala, Trung tâm Nobbies, Đảo Churchill và Penguin Parade.

Ngoạn cảnh nông trại thời nước Úc lập quốc

Vượt cây cầu West Gate lớn nhất Melbourne bắc ngang sông Yarra, chúng tôi đến Phillip Island với vé vào cửa là 58USD/người. Ngày nắng đẹp nên trời, biển và những thảm cỏ trên đảo đều xanh ngăn ngắt đón chào. Dù trước khi lên đảo, đã tìm hiểu sơ lược về hệ sinh thái đặc sắc trên đảo và cả những khuyến cáo cần thiết nhằm đảm bảo cho môi trường tự nhiên của Phillip Island nhưng chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước thiên nhiên hoang dã của hòn đảo xanh này.

Chỉ có khoảng 10.000 cư dân sống trên đảo Phillip và chủ yếu tập trung ở thị trấn Cowes. Một con số thật sư chênh lệch so với diện tích đảo và nếu tính trung bình, mỗi người dân ở đây có tới cả héc-ta đất sinh sống. Tuy người ít, nhưng doanh thu năm mà phần lớn từ du lịch của đảo Phillip lại đạt con số khổng lồ 28,7 triệu USD trong năm 2016. Đó cũng là lý do mà cơ sở hạ tầng và những cung đường di chuyển trên đảo được đầu tư tương đối tốt. Ven đường là những đồng cỏ xanh ngắt và những nông trại mênh mông với những con bò Yak sở hữu bộ lông dài với cái sừng to bình yên gặm cỏ.

Trên con đường đất dẫn vào Phillip Island là một vùng đất rộng lớn, tuyệt đẹp và trải dài tít tắp với những ngọn cỏ xanh mướt. Xa xa là những đàn bò Yak có bộ lông rậm, dài bình yên gặm cỏ.

Sau khi vượt qua một chiếc cầu “độc đạo” với một làn xe và một con đường trải đá dăm từ thời của những người tiên phong mở đất Úc, chúng tôi dừng chân ở Churchill Heritage Farm trên đảo Churchill. Hòn đảo "tí hon" rộng 57ha này là điểm tham quan cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử nông nghiệp của những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến bang Victoria. Vào năm 1798, George Bass và Matthew Flinders đã khám phá ra đảo Churchill. Ba năm sau, trung úy James Grant xây dựng một ngôi nhà nhỏ tại đây và bắt đầu trồng ngũ cốc và lúa mì. Năm 1872, Samuel Amess, cựu Thị trưởng thành phố Melbourne đã mua trang trại này và ngày nay có tên gọi Churchill Heritage Farm. Hiện trang trại được mở cửa cho công chúng đến để tìm hiểu về sinh hoạt của những người sống trong thời kỳ nước Úc lập quốc.

Cánh đồng hoa oải hương (lavender) giống Pháp chạy dọc theo những đồi cỏ về phía đại dương trên bờ biển đảo Phillip.

Thật khó tin khi đây đó khắp trên sân trang trại là những máy móc, trang thiết bị mà những người di dân dùng trong thời kỳ khẩn hoang. Churchill Heritage Farm còn có các show diễn lại sinh hoạt hàng ngày tại trang trại như vắt sữa bò, chó chăn cừu, gọt lông cừu, ném boomerang… và các show đều có lịch diễn theo giờ giấc đã định trước.

Rời đảo Churchill, chúng tôi tiếp tục hành trình đến lãnh địa của loài “gấu túi” Koala ở Trung tâm Bảo tồn Koala trên đảo Phillip.

Chú chim công bản địa của Úc sống tự nhiên trên vùng đất ngập nước của đảo Phillip.
Một hồ nước ngọt nằm sát ngay bờ biển đảo Phillip, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước.
Chim nước chụp ở một trang trại trên đảo Phillip.
Một góc của Heritage Farm trên đảo Churchill.

Dọc ngang “boardwalk” tìm chụp Koala

Khác với những sở thú thường thấy, Trung tâm Bảo tồn Koala ở đây thiết kế những lối đi bằng ván, được gọi là “boardwalk” nhằm không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của Koala trong rừng cây khuynh diệp. Ngoài ra, có rất nhiều tấm bảng nhắc du khách giữ yên lặng cho thấy người Úc đã làm hết sức để bảo tồn một loài thú quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này.

Koala còn gọi là “gấu túi”, một loại thú chỉ ăn lá cây khuynh diệp và sống quanh quẩn trên cây, từ lúc ăn cho đến lúc ngủ. Koala sống ở vùng ven biển phía Đông nước Úc, từ tiểu bang Adelaide đến bán đảo Cape York, và một số nơi có lượng mưa đủ lớn để có rừng cây. Ở Nam Úc, Koala đã gần như tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20, sau đó tiểu bang Victoria đã phải rất nỗ lực để bảo tồn loài thú hiếm này.

Trung tâm Bảo tồn Koala với những lối đi bằng ván, được gọi là “boardwalk” dành cho khách xem Koala.

Dọc ngang “boardwalk”, trước mắt chúng tôi chỉ là bạt ngàn màu xanh non lá cây của rừng cây khuynh diệp nên để tìm được Koala trên cây đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sinh vật nhỏ bé này có bộ lông màu xám và thường che giấu giữa đám lá cây khuynh diệp nên việc chụp được hình Koala lại càng khó hơn. Thậm chí phải có "duyên may" mới có thể gặp Koala trong những tư thế được gọi là... “ăn ảnh”.

Hiện nay số Koala chỉ còn chừng 50 con được bảo tồn ở Trung tâm Bảo tồn này trên đảo bởi mỗi năm chúng chỉ đẻ một con với chu kỳ mang thai 35 ngày. Khi mới lọt lòng, Koala trèo lên cái túi lộn ngược của mẹ, túi này có thể đóng mở theo ý muốn của Koala mẹ, Kaola con bám vào một trong hai núm vú của mẹ. Koala ở trong túi của mẹ trong khoảng 6 tháng đầu tiên và chỉ bú sữa. Khoảng 30 tuần tuổi, nó bắt đầu ăn thức ăn sền sệt gọi là "pap" do Koala mẹ tiết ra. Koala con tiếp tục ở với mẹ khoảng 6 tháng, trèo trên lưng mẹ, bú sữa và ăn lá cây. Sau 12 tháng ở với mẹ, Koala cái tự đi kiếm ăn ở vùng xung quanh; trong khi Koala đực tiếp tục ở với mẹ tới tận 2 đến 3 tuổi.

Rất hiếm khi gặp được Koala và đây là bức ảnh với "duyên may" chụp được một chú ở khoảng cách gần nhất tại Trung tâm Bảo tồn Koala.

Cuộc diễu hành của chim cánh cụt trên biển Summerlan

Ra khỏi địa bàn của Koala, xế chiều chúng tôi lại sa vào thế giới của chim cánh cụt trên bãi biển Summerlan. Chim cánh cụt về tổ sau hoàng hôn là một trong những cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã tiêu biểu nhất của du lịch Úc. Kể từ những năm 1920, khách du lịch đã đổ xô đến đảo Phillip để xem những loài chim cánh cụt ở đây và hiện ước tính có khoảng 32.000 chim cánh cụt cư trú trên hòn đảo này.

Là loại chim nhỏ (Little Penguin), chim cánh cụt trên đảo Phillip có bộ lông trắng đen, chiều cao khoảng 33cm và nặng chỉ 1kg, thuộc loại nhỏ nhất trong các loài chim cánh cụt trên thế giới. Năm 1780, khi được mô tả lần đầu tiên, Little Penguin được đặt tên là Eudyptula minor, có nghĩa “thợ lặn nhỏ tài giỏi” trong tiếng Hy Lạp. Với cơ thể có hình dạng thon như quả ngư lôi, bộ lông mượt không thấm nước, và hai cánh như mái chèo, chúng có vẻ như bay xuyên qua nước.

Khi hoàng hôn buông dần, đàn chim cánh cụt sẽ trở về tổ sau một ngày kiếm ăn nơi biển cả. Chúng đứng chờ nhau trên bãi biển, khi đông đủ mới theo con đầu đàn lần lượt trở về tổ. Tối hôm đó, chúng tôi ngồi trên bậc thềm xi măng của một khán đài thiết kế đặc biệt, gần bãi biển ngắm quang cảnh ấn tượng này. Trong thứ ánh sáng ban ngày còn sót lại nhưng đủ rõ để chúng tôi ngồi im ngắm nhìn những chú chim lững thững thành đàn ngang qua qua bãi cát trước khán đài để về tổ. Bị mê hoặc bởi nhưng sinh vật cao chừng 30cm này diễu hành về phía mình nhưng chúng tôi tuyệt đối bị cấm mang camera, máy ảnh, điện thoại ghi hình bởi sẽ gây tiếng động, ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của chim cánh cụt nơi đây.

Hơn một triệu khách mỗi năm đã đến đảo Phillip dù mỗi ngày chỉ một số lượng vé có hạn được bán ra dành cho những nhóm nhỏ du khách chiêm ngưỡng những sinh vật nhỏ bé Little Penguin. Với chúng tôi, không may mắn chụp được “cuộc diễu hành” của chim cánh cụt như dự định ban đầu cho phóng sự thì trên biển Summerlan đêm ấy, cuộc diễu hành sống động như một binh đoàn chỉnh tề và kỷ luật của các chú chim cánh cụt mãi là một ấn tượng mạnh trong những chuyến du ngoạn của mình.

Các show diễn lại sinh hoạt hàng ngày tại trang trại như vắt sữa bò, chó chăn cừu, gọt lông cừu... là các chương trình tổ chức theo tour tham quan Churchill Island Heritage Farm.
Một chiếc wagon do ngựa kéo nằm trên sân trang trại ở đảo Churchill.
Bước vào những ngôi nhà trong trang trại ở đảo Churchill, du khách có thể hình dung được phần nào cuộc sống của những người tiên phong lập quốc trên đất Úc.
Cape Woolamai và Summerland là 2 bãi biển đẹp nhất trên đảo Phillip với những bãi cát trắng dài vô tận cũng làn nước xanh ngắt, nơi du khách có thể thỏa thích tắm biển, bơi lội hoặc chơi các môn thể thao trên biển.
Không được chụp ảnh cuộc diễu hành của các chú chim cánh cụt trên đảo Philip nhưng có cả một khu trưng bày tiêu bản những chú chim cánh cụt ở Penguin Parade.


Bạn đang đọc bài viết Phillip Island: Hòn đảo của thiên nhiên hoang dã tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục