LTS: Ngoài cung đình, lăng tẩm, chùa chiền nổi tiếng với giá trị lịch sử và kiến trúc, Huế còn đó rất nhiều điểm đến khác để bạn ghé thăm. Loạt bài “Lãng du trên đất cố đô” trên chuyên mục Photo Travel từ tuần này sẽ cùng bạn khám phá những nơi còn tương đối nguyên sơ cùng thiên nhiên xứ Huế như xứ Cồn với món cơm hến, phá Tam Giang nơi được coi là hệ thống đầm phá lớn nhất châu Á, dạ yến cung đình ở nhà vườn Tịnh Gia Viên hay nghệ thuật khảm sành sứ...
Cồn Hến (Phường Vĩ Dạ, TP. Huế) cách trung tâm thành phố vài ki-lô-mét, gồm mấy xóm nhỏ nhưng luôn đông khách. Ai ghé Huế cũng muốn qua nơi được coi là "đảo ẩm thực Huế" này để ăn một tô cơm, bát bún hến thơm nức, ngọt mát tận chân răng.
Gọi là cồn bởi nơi đây là bãi đất phù sa rộng, nổi lên giữa dòng Hương, một bên là Gia Hội, bên kia là Vĩ Dạ, thích hợp cho “họ” nhà hến sinh sôi nảy nở. Thêm nữa, dòng nước ở đây trong vắt, ít phù sa, có thêm một lớp bùn sâu tích tụ, rất thích hợp cho loài này sinh trưởng nên hến ở Cồn Hến nổi tiếng là ngon nhất xứ Huế.
Ít ai biết rằng, để có món cơm hến nổi tiếng đất cố đô, những người dân xóm Cồn phải lặn, ngụp nhọc nhằn mới có được. Mỗi ngày ở Cồn Hến bắt đầu bằng tiếng máy cào hến, xé tan không khí tĩnh mịch. Ngoài ra, rất nhiều người khác mưu sinh bằng nghề cào, mò bắt hến trưởng thành bằng tay hoặc bằng cào răng tre. Đó là dụng cụ có khoảng từ 180 đến 200 răng tre, vót nhỏ hơn chiếc đũa, đan hình cánh cung rẻ quạt và có đáy đan bằng tre giữ lại hến ở trong cào.
Khi hến ở Cồn ít dần đi, nhiều gia đình chuyển sang khúc sông Gia Hội đánh bắt. Họ ngụp, lặn cả ngày dưới bùn nước, mỗi ngày cũng chỉ được khoảng hơn 2kg hến bán lại cho các chủ lò luộc hến. Mỗi ngày các lò ở Cồn nấu vài chục tấn hến. Đó là các công đoạn rửa, luộc và lại phải đãi mới có được thứ nước hến và thịt hến trắng mềm, ngọt mát đến tận chân răng. Và cho đến khi các bà các chị ở Cồn Hến cất công chế biến nhiều công đoạn nữa thì một tô cơm hến ngon lành mang vị ngọt mát của hến, cay nồng của gia vị, béo ngậy của phù sa mới đến bàn ăn của thực khách.