Trải nghiệm

Sài Gòn trong mắt ai

Trải nghiệm - 06:30, 25/04/2020 G4T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Thomas Haazer, một người Hà Lan trẻ quản lý quán cà phê Cafe De la poste ngay góc phố Nguyễn Du và Công Xã Paris lại chính là người gợi ý cho tôi những điểm đến nên ghé thăm khi vào Sài Gòn.

“Hòn ngọc Viễn Đông” của 45 năm trước giờ đã vươn lên trở thành một “siêu đô thị” thời hiện đại. City tour với cảm hứng từ người Hà Lan sống nhiều năm ở Sài Gòn đã đưa tôi lang thang hết ngày, khám phá nhịp sống của Thành phố, nơi 45 năm trước, bố tôi khi đó là một người lính của Quân đoàn 2 đã lần đầu tiên đặt chân đến đây vào trưa Chiến thắng 30/4/1975.

Khởi đầu từ Tao Đàn, nơi tôi chứng kiến một Sài Gòn với cà phê sáng trong khu vườn tượng, nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc thú vị ở góc công viên. Đây cũng là điểm đến lý tưởng khi mọi người sau buổi thể dục sáng, cùng nhau nhâm nhi cà phê, chia sẻ những câu chuyện ngày mới.

Rời Tao Đàn, lần lượt ghé qua các địa danh nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, tháp Bitexco hay những ngõ nhỏ, khu cư xá cũ… Đặc biệt, khi thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần, quận 3, vẫn còn nguyên đó “hồi niệm” của chiến tranh. Giữa Sài Gòn náo nhiệt, đây chính là khoảng lặng lịch sử lưu giữ hàng chục ngàn tài liệu, hiện vật và phim ảnh trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc tới ngày toàn vẹn non sông vào 30/4/1975.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là điểm tham quan thu hút đông du khách khi sở hữu bộ sưu tập hình ảnh, vũ khí... liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Mặt trước của bảo tàng là 5 chiếc máy bay chiến đấu và trong ảnh là chiếc tiêm kích hạng nhẹ F-5E do Mỹ sản xuất. Đây là dòng máy bay chiến đấu chủ lực được Không quân Mỹ, Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong suốt Chiến tranh Việt Nam.

Năm 2013, website du lịch nổi tiếng thế giới Trip Advisor đã bình chọn Bảo tàng vào Top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Khi tôi đến, Bảo tàng là ngày đông khách nhưng ở đó không có sự ồn ào của một điểm du lịch thường thấy. Có chăng là những khoảng lặng, khuôn mặt trĩu nặng, trầm tư và cả những đôi mắt đỏ hoe.

Nhiều chứng tích khác của “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời, đặc biệt các tuyệt phẩm kiến trúc khiến một du khách như tôi quên mất mình đang ở giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Paris. Đó là khi ngang qua một dinh thự/công sở tuyệt đẹp như Tòa án nhân dân TP.HCM hay lối kiến trúc tuyệt vời với những cột đá trắng và mái vòm cong của Nhà hát Thành phố.

Từ Dinh Thống Nhất, xuôi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua đường Nguyễn Du sẽ gặp một dinh thự/công sở tuyệt đẹp là Tòa án nhân dân TP.HCM…
… nơi vẫn vẹn nguyên nhiều chi tiết kiến trúc từ khi công trình ra đời từ cuối thế kỷ 19, do kiến trúc sư người Pháp Bourard thiết kế, kiến trúc sư Foulhoux trông nom việc xây dựng từ năm 1881, khánh thành năm 1885.
Nhà hát với kiến trúc tuyệt vời của những cột đá trắng và mái vòm cong này dễ làm du khách quên mất mình đang ở giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Paris.

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn ngày nay có nhiều thay đổi để trở thành một trong những trung tâm kinh tế và chính trị của cả nước. Hàng trăm tòa cao ốc và những ngôi nhà mới mọc lên để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế cả nước và khu vực. Khoảnh khắc cuối ngày khi Thành phố lên đèn là hình ảnh tôi ấn tượng nhất “bắt” vào ống kính từ bãi đỗ trực thăng, tầng 52 tòa Tháp tài chính Bitexco. Một Sài Gòn rực rỡ hoa lệ với dòng người như những con thoi hay ánh đèn từ các tòa cao ốc và công trình lấp lánh, tạo nên một bức tranh vô cùng sống động và kỳ ảo.

Nhà thờ Đức Bà một ngày nắng đẹp chiêm bái tượng Đức Mẹ bằng đá trắng, pho tượng được đưa từ Rome về Sài Gòn vào năm 1959. Sau lưng tượng là hai tháp chuông cao vút 60m trên nền trời Thành phố. Tuy nhà thờ hoàn tất vào năm 1880, mãi 15 năm sau hai tháp chuông mới được bổ sung.
Ngày mới của người Sài Gòn bên tách cà phê sáng ở công viên Tao Đàn, nơi có Khu vườn tượng với nhiều tác phẩm điêu khắc hấp dẫn. Đây cũng là điểm đến lý tưởng để cùng nhau nhâm nhi cà phê và chia sẻ những câu chuyện sau buổi thể dục sáng.
Dinh Độc Lập là nơi chứng kiến và mang dấu ấn đậm nét trong ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Sau 45 năm, bên trong Dinh vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử. Trước sân Dinh trưng bày 2 chiếc xe tăng, trong đó có phiên bản của chiếc xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 ngày 30/4/1975.
Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, Ký túc xá sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM với những ô cửa sổ và toàn bộ mặt tiền khu nhà được bao phủ một màu xanh lá cây thay màu của bê tông khô cứng và cũ kỹ trước đó. Tổ chức Guinness Việt Nam cũng đã trao chứng nhận Ký túc xá Đại học Kinh tế TP.HCM là “Ký túc xá xanh nhất Việt Nam” vào năm 2015.
Nhìn từ Tháp tài chính Bitexco, biểu tượng mới của Thành phố, Sài Gòn khoác lên mình sự thay đổi nhanh chóng của một thành phố hiện đại sau 45 năm giải phóng.
Hàng trăm tòa cao ốc và những ngôi nhà mới mọc lên để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế cả nước và khu vực. Trong ảnh là khu dân cư phức hợp với các công trình kiến trúc hiện đại nằm ven sông Sài Gòn.
Cuôi ngày, có một Sài Gòn hoa lệ nhìn từ đài quan sát Saigon Skydeck. Tọa lạc ở tầng 49 của toà nhà Bitexco Financial Tower, với độ cao 178m, Saigon Skydeck là nơi bạn có thể tận hưởng tầm nhìn 360 độ, phóng tầm mắt bao trọn cả thành phố từ trên cao với những đường nét uốn lượn của sông Sài Gòn và rất nhiều cảnh đẹp khác.


Bạn đang đọc bài viết Sài Gòn trong mắt ai tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục